Hướng dẫn cách mở một cửa hàng trực tuyến trong 10 bước (Cập nhật năm 2021)
Kinh doanh online hiện nay đang là xu hướng tất yếu và có nhiều cơ hội để chúng ta kiếm tiền từ nó. Dù chưa từng nghĩ mình sẽ kinh doanh hoặc chỉ muốn mở một cửa hàng trực tuyến nhỏ như nghề tay trái kiếm thêm thu nhập, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ càng để hành động trúng đích mà không phải mất nhiều thời gian.
Sau đây là 10 bước giúp bạn xây dựng cửa hàng trực tuyến dù bạn chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào trước đây:
1. Chọn một nền tảng thương mại điện tử
Trang web là bộ mặt của doanh nghiệp và cũng là nơi khách hàng tìm đến để mua các sản phẩm của bạn. Do đó, việc lựa chọn nền tảng để xây dựng cửa hàng trực tuyến cũng là yếu tố quan trọng, giúp bạn điều hành doanh nghiệp online suôn sẻ. Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét khi chọn nền tảng thương mại điện tử:
Công cụ:
Nền tảng có cung cấp mọi công cụ cần thiết để bạn xây dựng thành công gian hàng trực tuyến của mình không? Đó có thể là công cụ tạo các chiến dịch tiếp thị, quản lý hàng tồn kho, bán hàng và thu tiền trên nhiều kênh, tính toán số thuế phải nộp một cách tự động để ước tính chi phí, thêm tính năng trò chuyện trực tuyến... Điều quan trọng là nền tảng có đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của gian hàng mà bạn xây dựng không?
Doanh nghiệp với nhóm sản phẩm đặc biệt:
Nếu bạn muốn kinh doanh một sản phẩm đặc biệt, gói dịch vụ, bộ sản phẩm hoặc bạn có một ý tưởng kinh doanh trong ngách cụ thể thì nền tảng đó có thể đáp ứng được không? Đây cũng là một yếu tố cần cân nhắc trước khi mở gian hàng trực tuyến.
Nền tảng bạn định đặt gian hàng trực tuyến có tối ưu trải nghiệm người dùng trên điện thoại di động không? Liệu khách hàng có thể thoải mái mua sắm sản phẩm/dịch vụ của bạn trên điện thoại của họ không?
Trên đây là những yếu tố quan trọng để có thể quyết định xem sàn thương mại điện tử nào là phù hợp với doanh nghiệp hoặc gian hàng trực tuyến của bạn.
Bạn có thể tham khảo các nền tảng phổ biến tại Việt Nam như Wix eCommerce, WooCommerce, Shopify…
2. Xác định khách hàng mục tiêu

Một trong những yếu tố đầu tiên cần xem xét khi muốn mở một cửa hàng trực tuyến là bạn sẽ bán hàng cho ai. Điều này quan trọng để bạn xác định chính xác sản phẩm mình nên kinh doanh là gì, giao diện trang web thế nào thì phù hợp với khách hàng, hình thức tiếp thị ra sao và cả nhu cầu vận chuyển.
Nếu bạn đã định hình về sản phẩm thì hãy sử dụng ý tưởng đó để xác định khách hàng tiềm năng có nhu cầu mua mặt hàng này sẽ là ai. Tuy nhiên, nếu đây là lần đầu bạn quan tâm đến việc kinh doanh trực tuyến và chưa biết nên bắt đầu từ đâu thì hãy xem xét khách hàng tiềm năng mà bạn muốn hướng đến. Hãy làm một danh sách điều tra thông tin về tuổi tác, nơi sống, thói quen, sở thích… của họ để biết nhu cầu thật sự của họ là gì. Đây là cơ sở xác định tính cách người mua hàng mà bạn muốn hướng đến.
Một gợi ý nhỏ là khi chọn khách hàng mục tiêu, bạn nên cân nhắc những người mình quen thuộc. Lý do vì để xây dựng, tiếp thị và bán sản phẩm thành công, bạn cần thực sự thấu hiểu khách hàng. Ngoài ra, khi bạn hướng đến một cộng đồng cụ thể mà bạn đã là một phần trong đó thì quá trình này sẽ dễ dàng hơn.
Ví dụ: nếu bạn là một bà nội trợ ngoài 40 đang sống ở vùng nông thôn, hãy thành lập doanh nghiệp trực tuyến nhắm đến đối tượng cũng là những bà nội trợ ở tuổi trung niên đang sống cùng nơi với bạn. Bằng cách này, bạn sẽ hiểu rõ khách hàng của mình cần những sản phẩm nào, biết cách dùng ngôn ngữ của họ để nói chuyện và nắm được điều gì sẽ thúc đẩy họ mua hàng.
3. Chọn sản phẩm/dịch vụ để bán trực tuyến
Việc chọn đúng sản phẩm/dịch vụ để mở cửa hàng trực tuyến là quan trọng bởi nó liên quan đến thế mạnh, hiểu biết của bạn về sản phẩm và nhu cầu thị trường. Để làm được điều này, chúng ta cần dựa trên nghiên cứu khách hàng mục tiêu và cả tiềm năng của sản phẩm/dịch vụ đó.
Bạn có thể cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ nào chưa có trên thị trường và phù hợp nhóm khách hàng mục tiêu này? Bạn có thể giải quyết những điểm đau (pain points) nào cho họ? Sản phẩm/dịch vụ nào đã tồn tại nhưng bạn có thể làm tốt hơn? Ngách kinh doanh mà bạn hướng đến có thể giúp ích hoặc kích thích khách hàng mua sắm không?
Sau đây là một số gợi ý để bạn có thể chọn được sản phẩm/dịch vụ phù hợp.
Tìm kiếm một thị trường chưa được khai thác
Bạn có đang ấp ủ một dịch vụ hoặc ý tưởng sản phẩm chưa có trên thị trường? Hoặc bạn đang thiết kế một mặt hàng có thể giải quyết vấn đề khó khăn cho nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể? Nếu vậy, đây là cơ hội tốt để thành công vì bạn sẽ có ít đối thủ cạnh tranh hơn.
Vào năm 2015, Crystal Etienne đã nhận ra rằng thị trường sản phẩm vệ sinh pphụ nữ đang có một khoảng trống. Trong thời gian ngắn, cô ấy đã sáng lập và biến Ruby Love thành một doanh nghiệp trị giá 22 triệu đô la.
Tối ưu hóa một sản phẩm phổ biến
Bằng cách sử dụng hiểu biết và trải nghiệm của bản thân, bạn có thể đánh giá và tìm cách làm cho một sản phẩm phổ biến nào đó khắc phục được sự bất tiện hoặc trở nên tốt hơn. Để làm được điều này, bạn hãy trở thành khách hàng, quan tâm đến các sản phẩm mình thường sử dụng nhưng gặp trở ngại nào đó hoặc tìm hiểu các đánh giá của khách hàng xem họ thích gì và than phiền điều gì.
Ví dụ: nếu bạn muốn bán ba lô, hãy đọc các bài đánh giá về túi North Face, Herschel và Fjallraven để đem giải pháp khắc phục khuyết điểm vào trong các sản phẩm của mình.
Lựa chọn theo các xu hướng
Để mở một cửa hàng trực tuyến và kinh doanh thành công thì việc lựa chọn sản phẩm/dịch vụ theo các xu hướng hiện tại cũng là một cách phù hợp. Bạn có thể tìm kiếm trên Google Trend hoặc quan sát thị trường để biết mọi người đang quan tâm điều gì. Ví dụ như hiện nay, nhu cầu làm việc tại nhà hoặc chăm sóc sức khỏe tinh thần đang là xu hướng phát triển. Bạn có thể dựa vào đó mà phát triển hoặc lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp.
Ngoài ra, khi bạn bắt đầu thu hẹp các ý tưởng về sản phẩm và chỉ tập trung một ngách kinh doanh cụ thể, bạn sẽ muốn tìm những yếu tố đảm bảo kinh dianh được thành công. Như vậy, sau khi quyết định tung ra sản phẩm mới, bạn cần lưu ý:
Bán các mặt hàng dễ vận chuyển
Với người lần đầu tham gia sàn thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến, tốt nhất bạn nên bán các sản phẩm không dễ vỡ, nhẹ và có ít bộ phận di động. Ngoài ra, việc vận chuyển cũng trở nên phức tạp hơn khi có liên quan đến pin hoặc nam châm.
Kiểm tra mức lợi nhuận bạn có thể tạo ra
Hãy ước tính tỷ suất hoàn vốn ROI (Return On Investment) của bạn. Trước tiên, bạn phân tích đối thủ cạnh tranh để xác định mức giá sàn cho sản phẩm/dịch vụ của mình. Sau đó, bạn tính toán mức giá cần bán để trang trải chi phí kinh doanh.
Suy nghĩ về quá trình sản xuất
Nếu bạn đang tạo sản phẩm mới, bạn sẽ cần tìm nhà sản xuất để quản lý hàng tồn kho. Có nhiều khía cạnh bạn cần xem xét để chọn nhà sản xuất phù hợp. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết tại đây.
4. Hợp tác với một dropshipper
Nếu bạn muốn mở một cửa hàng trực tuyến và nhanh chóng bắt đầu bán hàng, hãy nghĩ đến chuyện kinh doanh dropshipping. Bên cạnh việc dễ dàng tạo lập, kinh doanh dropshipping còn có nhiều lợi ích cho người bán như giúp bạn giảm thiểu chi phí đầu tư, quản lý hàng tồn kho và giao tận tay hàng hóa đến khách. Việc của bạn chỉ là tìm kiếm khách hàng, quản lý hàng tồn kho và thực hiện đơn hàng.
Dropshipping là gì và nó hoạt động như thế nào?
Dropshipping là một hình thức kinh doanh bán lẻ dễ dàng bắt đầu và vận hành. Nó cho phép bạn bán sản phẩm mà không cần phải trữ hàng, quản lý hoặc vận chuyển bất kỳ hàng hóa nào. Lợi nhuận của bạn chính là phần chênh lệch giữa giá bán của nhà sản xuất và giá bán của bạn với khách hàng.
Hình thức kinh doanh này hoạt động bằng cách tích hợp cửa hàng trực tuyến của bạn với nhà cung cấp dịch vụ dropshipping. Việc của bạn là chọn sản phẩm từ danh mục có sẵn của nhà sản xuất mà bạn muốn bán cho khách hàng của mình.
Bạn cũng có thể tự xây dựng cách định giá, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm này cho nhóm khách hàng bạn hướng đến. Việc tiếp theo là khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm từ gian hàng của bạn, sau đó bạn chuyển thông tin đặt hàng đến nhà cung cấp dropshipping để họ giao đơn hàng cho khách.
Tóm lại có 5 bước mà bạn cần thực hiện như sau:
1. Bạn cần chọn sản phẩm muốn dropship và tự định giá.
2. Người mua sẽ chọn một trong các sản phẩm bằng cách thao tác trên trang web của bạn và thanh toán.
3. Bạn chuyển tiếp đơn hàng của khách và thanh toán cho nhà cung cấp.
4. Nhà cung cấp vận chuyển sản phẩm trực tiếp đến địa chỉ khách hàng của bạn
5. Bạn “ăn” phần tiền chênh lệch giữa giá sản xuất và giá bán cho khách.
Hình thức kinh doanh trực tuyến này rất có lợi cho những người mới và muốn tăng thu nhập vì không mất chi phí đầu tư, tạo sản phẩm, xây hệ thống kho bãi và vận chuyển. Điều quan trọng là bạn cần tìm nơi sản xuất chất lượng, uy tín; đầu tư vào gian hàng của mình; tiếp thị nội dung và thu hút khách hàng.
5. Kết nối nhà cung cấp dịch vụ thanh toán

Khi mở một cửa hàng trực tuyến, một vấn đề bạn cần quan tâm là khách hàng sẽ thanh toán như thế nào. Đây là một bước quan trọng để đảm bảo cửa hàng của bạn có thể chấp nhận thanh toán trực tuyến một cách suôn sẻ và an toàn.
Trước tiên, hãy xác định phương thức thanh toán mà bạn thấy phù hợp nhất với khách hàng. Bạn nên cung cấp cho họ nhiều phương thức để họ dễ dàng lựa chọn cách thanh toán mà họ thích và muốn dùng nhất. Có nhiều phương thức thanh toán như:
Thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ
Ví kỹ thuật số (như PayPal (cho thanh toán quốc tế), Momo, Zalo Pay…)
Chuyển khoản ngân hàng
Thanh toán trực tiếp khi nhận hàng
Sau đó, bạn cần chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Họ sẽ chịu trách nhiệm xử lý mọi giao dịch cho doanh nghiệp trực tuyến của bạn, chẳng hạn như các khoản thanh toán bạn nhận được từ khách hàng. Bạn cần được nhà cung cấp xác minh trước khi bắt đầu nhận tiền trên nền tảng thương mại điện tử của mình.
6. Đặt tên cho cửa hàng trực tuyến của bạn và mua một tên miền
Sau khi thực hiện các bước ở trên, bạn đã biết mình đang bán gì, bán cho ai và bán như thế nào. Bây giờ là lúc bạn đặt một cái tên dễ nhớ cho doanh nghiệp của mình.
Bạn có thể suy nghĩ về các từ liên quan đến sản phẩm, ngành, giá trị mà bạn theo đuổi hoặc những gì làm cho thương hiệu của bạn trở nên độc đáo.
Để chọn tên phù hợp, bạn hãy cân nhắc yếu tố SEO. Bạn tìm kiếm các cụm từ mà khách hàng thường sử dụng bằng cách nghiên cứu từ khóa hoặc Google Trend.
Ngoài ra, bạn nên thêm sản phẩm cụ thể trong tên để người mua biết ngay bạn đang bán những gì. Ví dụ, nếu bạn bán mũ thì trong cái tên có thể bao gồm từ “mũ lưỡi trai”, “mũ phớt”, “phụ kiện”…
Điều quan trọng là bạn hãy đảm bảo tên doanh nghiệp của bạn nổi bật và chưa được sử dụng.
Dưới đây là một số cách để chọn một tên thương hiệu của bạn:
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh trực tiếp
Tìm kiếm ý tưởng trên Google và mạng xã hội
Kiểm tra dịch vụ đăng ký kinh doanh tại địa phương (để tránh trùng tên thương hiệu, tên miền)
Khi bạn đã quyết định tên doanh nghiệp, hãy tạo một tên miền chuyên nghiệp cho trang web của bạn. Tên miền tối ưu nhất là khi nó phù hợp hoặc khớp với tên cửa hàng của bạn. Điều này sẽ giúp khách hàng tìm thấy bạn trực tuyến và mua các sản phẩm trên đó.
7. Thiết kế trang web để bán hàng
Sau khi có được tên miền và các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp trực tuyến vận hành, đã đến lúc bạn thiết kế giao diện chuyên nghiệp và tối ưu hóa sao cho thuận tiện việc mua bán và thanh toán. Dưới đây là một số gợi ý cần lưu ý khi bạn thiết kế trang web:
Sử dụng các template mẫu
Trong giai đoạn đầu, bạn không nhất thiết phải thiết kế ngay giao diện độc đáo “có một không hai” bởi điều này khá tốn kém, đặc biệt với những cá nhân muốn kinh doanh online chỉ như một nghề tay trái. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng các template sẵn có, đồng thời tùy chỉnh để đảm bảo website cũng độc đáo không kém.
Làm rõ những gì bạn bán
Đừng bắt người mua phải phỏng đoán xem bạn đang bán cái gì, trừ khi tên thương hiệu của bạn đọc lên là biết ngay. Việc bạn cần làm là nói chính xác những gì mình bán cho bất kỳ ai ghé thăm cửa hàng. Gợi ý là bạn hãy thể hiện ngay trên đường lịn của trang. Ví dụ: nếu bạn là doanh nghiệp kinh doanh áo thun có tên PlopTee, thẻ tiêu đề trang web của bạn có thể để là “PlopTee | Cửa hàng áo phông”.
Viết CTA rõ ràng
Trong suốt quá trình mua hàng, khách hàng của bạn nên được biết họ cần làm gì tiếp theo để giải quyết vấn đề họ gặp phải khi tìm đến gian hàng trực tuyến của bạn. Hãy đảm bảo thông điệp kêu gọi hành động (Call To Action) trực quan và dễ thao tác để khách hàng tiềm năng thấy và bấm vào.
Bạn cần thêm nút Mua ngay thật lớn và nổi bật trên trang chủ. Ngoài ra, ở mỗi trang giới thiệu sản phẩm, bạn cũng cần thêm tùy chọn Mua ngay và / hoặc Thêm vào giỏ hàng đủ nổi bật để khách hàng chú ý và dễ mua hàng.
Cài đặt và tối ưu cửa hàng trực tuyến

Hãy tạo các thanh công cụ rõ ràng để dẫn khách hàng đến nơi họ cần. Ví dụ nếu bạn đang bán quần áo, hãy tạo các tab cho trang phục nam hoặc nữ, cũng như một tab để bán các mặt hàng khuyến mãi...
Hãy thêm chức năng kiểm tra giỏ hàng ở góc trên cùng bên phải của website để khách hàng tiện theo dõi những gì họ có trong giỏ hàng. Ngoài ra, bạn cũng cần cho khách hàng được bỏ bớt và thêm các sản phẩm một cách thuận lợi để tăng trải nghiệm người dùng.
Bên cạnh đó, bạn đừng quên thêm các liên kết chính trong phần dưới cùng của website, bao gồm chính sách trả hàng, vận chuyển, trang mạng xã hội hoặc nhận tư vấn trực tiếp (gọi điện hoặc chat nhanh).
Sử dụng hình ảnh chất lượng tốt
Chụp ảnh sản phẩm là yếu tố quan trọng để bán hàng trực tuyến. Bởi điều khách hàng mong muốn khi mua online là biết sản phẩm thực tế trông như thế nào và họ cần cảm thấy yên tâm về chất lượng trước khi thanh toán. Lưu ý là bạn cần sử dụng ảnh và video chuyên nghiệp để giới thiệu vẻ ngoài, tính năng, cảm giác, kích thước, trọng lượng, v.v. của sản phẩm.
8. Xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp
Thương hiệu của doanh nghiệp bao gồm mọi thứ từ tên, logo, bảng màu, câu chuyện, chăm sóc khách hàng... Nó cần phù hợp với khách hàng mục tiêu và loại hình kinh doanh.
Về màu sắc, gam màu thương hiệu của bạn cần phù hợp với thông điệp, sản phẩm và cả tính cách khách hàng. Ví dụ màu xanh lam và xanh lá cây sẽ phù hợp hơn khi xây dựng doanh nghiệp với sản phẩm là nước uống đóng chai thân thiện môi trường. Lưu ý là hãy chọn khoảng 3 - 4 bảng màu và giữ nó cho cả quá trình sau này.
Về logo, bạn cần lựa chọn các hình khối đơn giản và từ ngữ rõ ràng, dễ đọc. Logo là thứ rất nhỏ nhưng có tính nhận diện thương hiệu mạnh dù chỉ trong nháy mắt, vì thế, bạn hãy tạo hình ảnh đặc biệt, độc đáo và dễ nhớ cho cửa hàng trực tuyến của mình.
Một khía cạnh quan trọng khác đối với thương hiệu của bạn là giọng điệu bạn sử dụng khi xây dựng nội dung cũng cần nhất quán và phù hợp với khách hàng tiềm năng. Điều này cần được tính đến khi viết mô tả sản phẩm, các bài đăng trên mạng xã hội và email marketing của bạn. Hãy tự hỏi bản thân: Khách hàng của tôi là ai? Họ sẽ liên quan đến loại ngôn ngữ và thông điệp nào? Nó nên vui tươi hay nghiêm túc, trẻ trung hay điềm đạm?
Khi bạn quyết định gam màu, logo và phong cách nội dung khi xây dựng thương hiệu của mình, hãy sử dụng chúng khi thiết kế bất kỳ thứ gì mà doanh nghiệp của bạn tạo ra, bao gồm:
Website
Email
Hóa đơn
Bao bì sản phẩm
Vật liệu vận chuyển
Chiến dịch quảng cáo
Một bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả có thể giúp thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng ngay từ đầu. Với một trang web chuyên nghiệp và một thương hiệu nhất quán, khách hàng của bạn có nhiều khả năng mua hàng hơn.
9. Quyết định hình thức kinh doanh
Bạn cần tìm hiểu các luật về những hình thức kinh doanh online, các lưu ý quan trọng và hướng dẫn thủ tục hành chính cần có để vận hành một cửa hàng trực tuyến. Dưới đây là bốn hình thức kinh doanh phổ biến nhất:
Công ty tư nhân: đây là hình thức sở hữu cá nhân, bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn về pháp lý và tài chính cho doanh nghiệp của mình. Với một người lần đầu tiên mở cửa hàng trực tuyến thì hình thức này có thể rất phù hợp với bạn.
Công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC): hình thức này cho phép bạn tách bạch giữa tài sản cá nhân và tài sản kinh doanh để việc khởi nghiệp ít rủi ro hơn. Các công ty TNHH được thành lập tương đối nhanh chóng để bạn bắt đầu ngay vào vận hành doanh nghiệp online của mình.
Công ty hợp danh: hình thức này ít phổ biến hơn tại Việt Nam nhưng vẫn có quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp. Bạn cần có ít nhất 2 thành viên tham gia, trong đó thành viên hợp danh cần chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản và nghĩa vụ với công ty, còn thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trên phần vốn góp của mình. Thông tin này quan trọng bởi nó liên quan đến tính pháp lý và các khoản nợ khi kinh doanh online. Hình thức này không được phép huy động thêm vốn bằng cách phát hành cổ phiếu.
Công ty cổ phần: là trường hợp bạn muốn kinh doanh online nhưng thiếu vốn và theo quy định của Pháp luật Việt Nam, bạn cần có tối thiểu 3 cổ đông góp vốn để có thể mở công ty bán hàng trực tuyến. Sau khi doanh nghiệp kinh doanh phát đạt, công ty hoàn toàn có thể chào bán thêm cổ phiếu để có thêm vốn.
Nếu bạn lần đầu tham gia thị trường kinh doanh trực tuyến thì có thể cân nhắc thuê một luật sư có kiến thức về thành lập doanh nghiệp và luật kinh doanh. Hoặc nếu bạn đang muốn mở một cửa hàng trực tuyến với hình thức tư nhân thì bạn cũng phải làm theo các thủ tục Nhà nước yêu cầu để đảm bảo kinh doanh phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra khi thành lập doanh nghiệp, bạn cũng cần phải có kế toán hạch toán và kê khai, nộp thuế nên tùy quy mô và khả năng chi trả mà bạn có thể cân nhắc thuê riêng kế toán hoặc thuê dịch vụ kế toán hàng tháng với mức giá rẻ hơn (từ 500.000 - 1 triệu đồng/1 tháng).
Bạn có thể tham khảo thêm các thông tin liên quan đến luật và thủ tục hành chính để lựa chọn hình thức doanh nghiệp tại đây.
Dưới đây là một số ưu và nhược điểm của việc thiết lập doanh nghiệp kinh doanh online với quyền sở hữu tư nhân:
Ưu điểm
Dễ dàng bắt đầu
Chi phí thành lập không nhiều
Cung cấp cho bạn toàn quyền kiểm soát doanh nghiệp
Khai thuế đơn giản hơn
Nhược điểm
Bạn chịu hoàn toàn trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Không thể huy động tiền bằng cách phát hành cổ phiếu trong doanh nghiệp
Đây là những yếu tố quan trọng khi thành lập doanh nghiệp, do đó bạn cần tìm hiểu kỹ càng để tránh các rắc rối pháp lý. Tuy vậy, bạn cũng đừng quá lo lắng, hãy nhờ đến trợ giúp từ luật sư, tư vấn luật để hợp thức cửa hàng trực tuyến và bắt đầu phát triển dự án của mình.
10. Bắt đầu các chiến dịch tiếp thị

Bạn đã sẵn sàng cho đợt bán hàng đầu tiên của mình chưa? Đã đến lúc bắt đầu các chiến dịch tiếp thị sản phẩm/dịch vụ để thu hút khách hàng. Sau đây là một số chiến lược miễn phí và trả phí có thể áp dụng để bạn “khởi nghiệp” online.
Các chiến dịch tiếp thị miễn phí
Mạng xã hội
Hãy bắt đầu bằng việc tạo trang kinh doanh cho cửa hàng trực tuyến của bạn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Instagram. Cập nhật thông tin hồ sơ doanh nghiệp bao gồm liên kết trang web, vị trí và thông tin liên hệ. Trên Facebook, bạn có thể cho phép tùy chọn để khách hàng để lại đánh giá và đảm bảo bạn phản hồi bất kỳ ai làm như vậy.
Sau đó, bạn hãy đăng các chương trình khuyến mãi, bán hàng, các mặt hàng mới và liên kết đến cửa hàng của bạn. Cho phép khách hàng mua sắm trực tiếp từ trang mạng xã hội của bạn bằng cách tích hợp trang web với Facebook Shop hoặc bằng cách liên kết các bài đăng trên Instagram với cửa hàng trực tuyến.
Tiếp thị bằng email marketing
Đầu tiên, bạn hãy tạo một địa chỉ email doanh nghiệp. Sau đó, phát triển danh sách khách hàng tiềm năng bằng cách thêm biểu mẫu đăng ký vào chân trang để thu hút người dùng để lại email. Bạn có thể giảm giá trong lần mua hàng tiếp theo để giúp họ có thêm động lực tham gia vào danh sách tiếp thị bằng email của bạn.
Công cụ tiếp thị bằng email phổ biến nhất là Mailchimp, Sendy... Khi đã có danh sách khách hàng, bạn sử dụng công cụ tiếp thị qua email để gửi đi các bản tin về chương trình khuyến mãi, thông tin cập nhật về kinh doanh và các mặt hàng nổi bật mang tính thời điểm trong năm (như valentine, noel…).
SEO
SEO là kỹ thuật tối ưu hóa trang web để có thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm của Google. Khi đó, khách hàng dễ dàng nhìn thấy cửa hàng của bạn khi họ đang tìm kiếm các loại sản phẩm mà bạn bán. Gợi ý là bạn có thể tối ưu tiêu đề và khung mô tả (Meta description) khi giới thiệu sản phẩm trên gian hàng. Lưu ý, bạn cần thực hiện điều này trên trang chủ, danh mục sản phẩm và từng trang sản phẩm riêng lẻ.
Chiến dịch tiếp thị có trả tiền
Quảng cáo Facebook và Instagram
Một hình thức tiếp thị gian hàng đến nhóm khách hàng mục tiêu là quảng cáo có trả phí thông qua mạng xã hội Facebook và Instagram. Cần xác định mục tiêu mà bạn hướng đến như đạt lưu lượng truy cập, lượt tương tác, chuyển đổi đơn hàng… kết hợp ngân sách mà bạn có thể chi trả để quyết định thời gian cũng như cách thức chạy quảng cáo.
Google Ads
Thiết lập quảng cáo PPC (Pay-per-click) cho mỗi lần khách hàng nhấp vào liên kết quảng cáo trên Google, nhắm mục tiêu đến vị trí, nhân khẩu học, từ khóa và truy vấn cụ thể. Điều này sẽ cho phép những khách hàng đang tìm kiếm sản phẩm bạn đang bán nhìn thấy trang web của bạn.
Trên đây là 10 bước và những thông tin cần thiết để bạn mở ngay một cửa hàng và bắt đầu kinh doanh online. Bạn hãy bắt đầu từng bước một và hoàn tất lần lượt các thủ tục để biến giấc mơ kinh doanh thành nghề tay trái có thu nhập.
Nguồn bài viết:
https://www.wix.com/blog/ecommerce/2019/10/how-to-start-an-online-store
Bản quyền bài viết thuộc về Hà Phương và nghetaytrai.work. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.