Hành trình 5 bước biến đam mê của bạn trở thành nghề tay trái hái ra tiền
Nếu đang làm một công việc duy nhất tại công ty nào đó, hẳn bạn cũng biết rằng mỗi vị trí đều có một khung lương nhất định. Khi nhu cầu chi tiêu của bạn tăng lên (do có gia đình, con cái hay muốn đầu tư học thêm vài khóa học chuyên môn) mà bạn vẫn muốn sống dư dả và thoải mái như trước thì buộc thu nhập của bạn cũng phải tăng lên. Nhưng tréo ngoe thay, rất có thể mức cao nhất trong khung lương của công việc hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu lúc này.
Chưa kể, lựa chọn này còn quá rủi ro khi bạn bỏ hết trứng vào một rổ. Sẽ như thế nào nếu một ngày đẹp trời, bạn bị công ty cho nghỉ việc? Có thể do bạn phạm sai lầm hoặc công ty cần cắt giảm nhân sự để tồn tại qua đại dịch. Nếu như vậy, bạn sẽ làm gì?
Đi tìm việc ư? Đó là điều chắc chắn. Nhưng bạn sẽ sống thế nào trong thời gian chưa tìm được một công việc chính thức? Khi cuộc sống vẫn còn yên bình như thời điểm chưa có dịch Covid-19, việc một người cống hiến hết mình cho một vị trí duy nhất ở công ty là điều hết sức bình thường, dù bản thân họ vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Ít ra thì trong mắt người khác, họ được xem là ổn định.
Nhưng với tình hình hiện tại, khái niệm “ổn định” không còn là làm một công việc duy nhất và cứ thế nhận lương hằng tháng đến khi nghỉ hưu. Khái niệm ổn định trong thời đại hiện nay là dù một công việc bị trục trặc, bạn vẫn hoàn toàn có thể sống tốt với một, hai công việc "tay trái" khác và cân bằng cuộc sống.
Đó chính là lý do tại sao bạn nên có thêm một nghề tay trái như tấm lá chắn để phòng thân.
Làm nghề tay trái xuất phát từ đam mê có ích lợi gì?

Có nhiều lý do khiến một người không thể chọn công việc theo sở thích cá nhân. Có thể bạn đầu hàng trước lời cảnh báo từ gia đình, rằng công việc này đầy mơ hồ, rủi ro, thua lỗ hoặc không có tương lai. Cũng có thể tại thời điểm mà bạn quyết định nộp hồ sơ thi đại học, công việc ấy còn chưa phát triển, nếu có thì thu nhập rất thấp. Mọi thứ đều vô định và không có sự đảm bảo.
Bạn chấp nhận thực tại, chọn một trường vừa vừa với khả năng, học hành, tốt nghiệp rồi đi làm. Tuy nhiên, đến khi có một mức lương đủ sống và đều đặn hằng tháng, bạn vẫn cảm thấy thật nhàm chán. Mỗi ngày đều ra khỏi nhà một cách uể oải và rập khuôn như một cái máy. Đúng 8h sáng khởi động, 5h chiều tắt nguồn.
Vậy nếu được làm thêm một công việc tay trái xuất phát từ sở thích bấy lâu nay thì liệu cuộc sống của bạn có gì thay đổi không?
Mình khẳng định là có. Không những thế, bạn còn thu hút rất nhiều điều tích cực đến với cuộc sống hiện tại, làm cho nó trở nên thú vị và đáng sống hơn.
Thứ nhất, bên cạnh nguồn thu từ công việc chính, bạn có thêm một nguồn thu phụ tiềm năng.
Thay vì co mình với mức thu nhập chỉ vừa đủ để tồn tại, nhiều khi còn phải “giật gấu vá vai”, việc có thêm nguồn thu từ nghề tay trái sẽ cho bạn và con cái một cuộc sống chất lượng hơn.
Bản thân bạn được học hỏi, mở rộng kiến thức; con cái được học thêm các môn năng khiếu đắt đỏ, và cả gia đình sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch để cùng nhau thư giãn, giải tỏa căng thẳng.
Một người bạn của mình đang có công việc toàn thời gian là nhân viên trực hotline ở bộ phận khách hàng. Nhưng bên cạnh công việc chính, bạn còn có công việc tay trái là xăm mình nghệ thuật và làm công việc này vào buổi tối. Nhờ sự khéo tay vốn có và đam mê với công việc thợ xăm, dần dần bạn đã có đủ tiền để mua một căn nhà nhỏ ở Hà Nội và mở riêng một tiệm xăm tại nhà.
Thứ hai, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn khi được làm điều mình thích.
Điều này thì không có gì phải bàn cãi. Rõ ràng khi bạn được làm những việc mình yêu thích thì sẽ mang lại cảm giác thư giãn và tận hưởng. Kể cả bạn có phải đau đầu để nghĩ ngợi thì đó cũng là đau đầu trong hào hứng. Khi bạn yêu điều mình đang làm, bạn sẽ ước có nhiều thời gian hơn để cảm nhận điều tuyệt vời đó. Bạn sẽ trân quý từng giây phút và cảm thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao.
Thứ ba, bắt đầu đam mê bằng nghề tay trái là một lựa chọn an toàn.
Khi còn độc thân và trẻ tuổi, bạn cống hiến tất cả những gì mình có vì đam mê. Sức khỏe, nhiệt huyết, bạn có thể cho đi mọi thứ. Rủi mà tất cả có tan tành và bạn phải bắt đầu từ con số 0 thì cũng không hề gì. Vì còn trẻ, bạn vẫn có thể bắt đầu lại.
Nhưng khi chúng ta đã có gia đình hoặc khi mọi thứ đều không có gì chắc chắn như hiện nay thì đó lại là một lựa chọn liều lĩnh. Lúc này, bạn cần phải thực tế và luôn nghĩ cách để bản thân có một đường lui. Nếu gặt hái được thành quả từ nghề tay trái thì bạn nghiễm nhiên có hai nguồn thu nhập. Nếu không, bạn vẫn nhận về những bài học hữu ích mà không thiệt hại quá nhiều. Gia đình bạn cũng không bị xáo trộn, con cái vẫn được ăn uống, học hành đầy đủ.
Và nếu như đọc đến đây, bạn bắt đầu thấy đam mê ngày xưa như sống dậy, cơ thể nóng bừng, nhiệt huyết sục sôi thì chào mừng bạn đến với phần kế tiếp - hành trình 5 bước biến đam mê của bạn trở thành nghề tay trái hái ra tiền.
Hành trình 5 bước biến đam mê của bạn trở thành nghề tay trái hái ra tiền
Để thành công với bất kỳ nghề nào cũng cần một quy trình và kế hoạch cụ thể.
Bác sĩ làm theo phác đồ điều trị. Phi công làm theo kế hoạch bay. Những người lính buộc phải tuân thủ kế hoạch của tổ chức. Những chuyên gia không bao giờ làm mà không có kế hoạch. (Trích từ cuốn “Kế hoạch marketing trên một trang giấy”)
Bạn cũng sẽ cần một kế hoạch rõ ràng và chi tiết, cụ thể là 5 bước dưới đây.
Bước 1: Xác định lĩnh vực sở trường của bạn
Bước đầu tiên là lập danh sách các sở thích và đam mê yêu thích của bạn. Càng nhiều càng tốt nhưng sau đó hãy chọn lọc ra những ứng cử viên hàng đầu. Ưu tiên chúng theo thứ tự mức độ thành thạo của bạn.
Tiếp theo, hãy nghĩ xem với mỗi sở thích ấy, bạn có thể cung cấp sản phẩm hay dịch vụ nào khả thi. Hãy liệt kê tất cả những gì nằm trong hiểu biết của bạn.
Ví dụ, anh bạn mình đã bắt đầu công việc đầu tiên là kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học. Anh ấy thành thạo toán học và khoa học nhờ học kỹ thuật, và đã kiếm được tiền bằng cách làm phục vụ ăn uống trong nhiều nhà hàng. Anh cũng có kinh nghiệm với việc viết và chỉnh sửa. Danh sách các kỹ năng của anh ấy bao gồm toán học, nấu ăn và viết. Từ danh sách này, anh ấy đã nảy ra những ý tưởng như dạy kèm cho học sinh trung học, phục vụ các sự kiện ăn uống hoặc biên tập bản thảo sách với tư cách là một freelancer.
Bước 2: Nghiên cứu thị trường

Bước thứ hai là nghiên cứu thị trường cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Hãy xác định khách hàng của bạn, họ là ai, họ ở đâu và cách bạn có thể tiếp cận họ. Hãy xem vị trí của bạn, bạn có gần khách hàng tiềm năng hay bạn có thể dễ dàng tiếp cận họ không? Bạn sẽ khó khăn như thế nào khi giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình với họ? Họ có nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn không?
Sau khi xem xét danh sách sở thích của mình so với không gian thị trường, anh bạn mình kết luận rằng anh ấy không ở gần các gia đình có học sinh trung học để dạy kèm. Anh ấy không có mạng lưới phù hợp với các tác giả hoặc nhà văn để tiếp thị kỹ năng biên tập của mình. Tuy nhiên, anh ấy đã thấy hứa hẹn trong việc cung cấp dịch vụ ăn uống cho các doanh nghiệp. Anh ấy làm kỹ sư trong một khu kinh doanh công nghiệp, nơi có rất nhiều người thuê và sẽ là những khách hàng tuyệt vời. Anh biết ý tưởng này rất tiềm năng vì công ty của anh không thể tìm được dịch vụ ăn uống chất lượng với giá cả hợp lý.
Bước 3: Kiểm tra mức độ khả thi của ý tưởng
Bước thứ ba là kiểm tra ý tưởng của bạn. Hãy bắt đầu với một tệp khách hàng mẫu, sau đó thực hiện sở thích của bạn và tìm một khách hàng sẵn sàng để thử nghiệm kinh doanh. Bạn có thể mắc sai lầm, nhưng hãy tận dụng để trau dồi kỹ năng và tinh chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Bạn có thể cân nhắc cho khách hàng này một thỏa thuận đặc biệt để đóng vai chuột bạch. Khi bạn bắt đầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ của mình, hãy lấy ý kiến phản hồi của khách hàng, xem dòng tiền, chi phí và tính toán lợi nhuận của bạn.
Khách hàng đầu tiên của anh bạn mình là công ty kỹ thuật nơi anh ấy làm việc. Anh phục vụ các cuộc họp điều hành, các buổi đào tạo, hội nghị và thăm khách hàng vào mỗi thứ Sáu. Anh đã cung cấp bữa sáng và bữa trưa cũng như bữa ăn nhẹ giữa buổi sáng. Sau tháng đầu tiên, anh đã thu thập được rất nhiều phản hồi tích cực về chất lượng món ăn, cách trình bày và giá cả. Anh hạch toán từng đồng đã chi tiêu và kiếm được. Anh hiểu rõ nơi mình có thể và không thể kiếm được lợi nhuận. Sau đó, anh ấy đã điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ cho phù hợp để tối đa hóa lợi nhuận của mình, đồng thời lưu tâm đến việc duy trì chất lượng đồ ăn và dịch vụ.
Bước 4: Chuẩn bị các công cụ để sẵn sàng chiến đấu
Bước thứ tư, sau khi bài test ý tưởng đã thành công, bạn sẽ cần tiếp thị sản phẩm của mình tới nhiều khách hàng hơn. Lúc này, hãy tạo chiến lược tiếp thị và phát triển doanh nghiệp của bạn. Bạn sẽ cần bắt đầu với một fanpage và trang web bán hàng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm một cái tên thương hiệu phù hợp, bộ logo thể hiện rõ tinh thần kinh doanh của bạn, chuẩn bị các bộ tài liệu marketing và tăng cường thu thập phản hồi tốt từ khách hàng.
Anh bạn mình đã đặt tên cho fanpage của công ty anh ấy là “Thú vui ngon miệng”, thể hiện một chiếc khăn trải bàn ca rô màu đỏ và trắng, với một bàn đầy ắp bánh mì, phở, các món cuốn và nước trái cây các loại. Bên cạnh đó, anh đã thu thập những lời chứng thực từ khách hàng và làm một tập tài liệu quảng cáo cho công ty của mình, với đầy đủ thông tin doanh nghiệp và thực đơn phục vụ. Anh ấy đã tiếp cận tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp và đưa cho mỗi trợ lý hành chính và lễ tân một tập tài liệu. Anh lấy danh thiếp của từng khách hàng tiềm năng và thêm ghi chú để bản thân có thể theo dõi chi tiết nhu cầu ăn uống của họ.
Bạn đã bao giờ nghe câu nói, "Hãy cẩn thận với những gì bạn muốn"? Chà, lẽ ra anh bạn mình nên chú ý đến lời khuyên đó, bởi vì trong vòng vài tháng, lịch trình của anh ấy đã dày đặc các sự kiện phục vụ ăn uống.
Bước 5: Xác định xem bạn có muốn làm toàn thời gian với đam mê của mình
Nếu doanh nghiệp hoạt động trơn tru và đang trên đà phát triển, đến một lúc nào đó, có thể bạn sẽ phải tự hỏi, "Mình có muốn tiếp tục nâng cấp công việc này và biến nó trở thành một công việc toàn thời gian không?"
Khi trở thành một doanh nghiệp thực sự, điều này có nghĩa là bạn sẽ cần thuê nhân viên, tìm địa điểm, mua hàng tồn kho và hơn thế nữa. Cuối cùng, bạn có thể sẽ phải cân nhắc từ bỏ công việc chính mà bạn đang làm và chuyển sang cam kết toàn thời gian với công việc kinh doanh mới cất cánh này.
Mặt khác, nếu vẫn muốn duy trì song song cả 2 công việc cùng lúc, bạn vẫn cần cân nhắc về thời gian và nguồn lực bỏ ra cho mỗi công việc. Sau đó, câu hỏi chỉ đơn giản là bạn muốn duy trì lối sống làm việc kép trong bao lâu.
Anh bạn mình tiếp tục công việc phục vụ ăn uống của mình trong một vài năm, cho đến khi anh ấy quyết định đầu tư thời gian đó để lấy bằng MBA. Điều này cho thấy việc đưa ra quyết định sẽ phụ thuộc vào đúng thời điểm và dựa trên mục tiêu nghề nghiệp, lợi nhuận tài chính tiềm năng và tham vọng trong cuộc sống cá nhân.
LỜI KẾT
Sau cùng, dù bạn làm song song cả 2 công việc hay quyết định biến nghề tay trái thành công việc toàn thời gian nhưng cũng đừng vì bận rộn mà quên đi ý nghĩa và mục đích cốt lõi mà bạn xây dựng ban đầu. Bên cạnh mức thu nhập rủng rỉnh thì đó là niềm vui khi được sống với đam mê, sự tự hào vì bản thân đem lại cho gia đình cuộc sống đầy đủ, những giờ phút vui vẻ và ý nghĩa khi cả nhà bên nhau.
Nếu quá bận rộn và cần được hỗ trợ, bạn đừng ngại đề nghị thẳng thắn với các thành viên trong gia đình. Quá gắng gượng chỉ làm bạn thêm căng thẳng, mất định hướng, đôi khi là cáu gắt, bực dọc với người nhà. Chúc bạn luôn mạnh mẽ, kiên cường và sống đủ đầy với đam mê.
Bản quyền bài viết thuộc về Mitu Writer và nghetaytrai.work. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.