top of page

6 cách tìm kiếm khách hàng có thể áp dụng ngay dành cho freelancer mới vào nghề

Thách thức lớn nhất của Freelancer mới vào nghề là tìm kiếm khách hàng. Có người cả năm vẫn chưa tìm được khách hàng, có người thì việc đếm không xuể ở giai đoạn đầu, sau một vài tháng lại rơi vào tình trạng “ế show”, không biết tìm khách hàng ở đâu. Nhưng bạn đừng căng thẳng, 6 cách mình chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn tiếp cận, “thu phục” những khách hàng tiềm năng để duy trì lượng công việc ổn định.


1. Bắt đầu với người thân, người quen


Đây là cách đơn giản nhất để Freelancer mới vào nghề có khách hàng đầu tiên. Hãy chia sẻ về công việc bạn đang làm với gia đình, bạn bè, sếp cũ, đối tác cũ, đồng nghiệp cũ… Họ chính là khách hàng của bạn hoặc là trung gian giới thiệu bạn với khách hàng khác có nhu cầu.

“Làm cho người quen mệt lắm, toàn không được trả tiền”.


Nếu những dự án không công này giúp bạn làm đẹp Portfolio, là chiếc “cần câu cá” thì có đáng để cân nhắc? Theo kinh nghiệm “hành nghề” hơn 2 năm của mình, dự án mẫu/dự án từng thực hiện rất quan trọng. Thông qua đó, khách hàng đánh giá được bạn phù hợp với họ hay không và đưa ra quyết định hợp tác/từ chối. Vì thế, sự “không công” này giá trị.


2. Các trang tuyển dụng, tìm kiếm việc làm


Bạn có thể tạo hồ sơ online trên các trang tuyển dụng để “thu hút” nhà tuyển dụng hoặc tự ứng tuyển vào một vị trí bất kỳ. Hiện nay, các trang việc làm dành riêng cho Freelancer uy tín có thể kể đến: Vlance.vn, FreelancerViet.vn, Freelancer.com, Upwork.com, Fiverr.com…


Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm khách hàng qua thông tin tuyển dụng các vị trí Fulltime trên Vietnamworks.com, Indeed.com, Vieclam24h.vn… Hãy chủ động gửi đề xuất hợp tác đến các doanh nghiệp, khách hàng tiềm năng của bạn. Họ tìm kiếm nhân viên Fulltime nhưng nếu bạn phù hợp, đáp ứng tính cấp thiết hoặc năng lực xuất chúng, bạn sẽ được lựa chọn.


Riêng tin tuyển dụng đăng tải trong một số hội nhóm việc làm trên mạng xã hội, bạn cần cẩn thận hơn trong việc xác minh địa chỉ công ty, cách làm việc, bút phí và các thỏa thuận khác. Gần đây, tình trạng nhà tuyển dụng kém uy tín bóc lột, lừa tiền, xù tiền… Freelancer diễn ra ngày càng nhiều. Bạn phải chủ động bảo vệ mình nhé

Hình ảnh: Unsplash/Kaitlyn Baker

3. Các hội thảo, sự kiện, hội nghị


Các ngành nghề, lĩnh vực hầu hết đều tổ chức các hội thảo, sự kiện lớn nhỏ để kết nối, mở rộng kinh doanh… Bạn hãy tìm kiếm và tham dự những hội thảo, sự kiện trong ngách như thế này. Khách hàng tiềm năng của bạn đang ở đó đợi bạn gây ấn tượng, đợi bạn chủ động kết nối.


Bạn có thể đặt câu hỏi giao lưu với khách mời, đóng góp tiết mục văn nghệ… quan trọng là bạn được giới thiệu mình là ai, đến từ đâu, đang làm công việc gì. Bạn cũng nên chuẩn bị namecard để gửi đến những người bạn vừa kết nối. Vì họ có thể nhớ về bạn là người có giọng hát rất hay, gương mặt rất xinh, bạn là một người vẽ minh họa nhưng liên hệ với bạn như thế nào thì thật khó.


4. Các group/fanpage ngách


Tương tự, bạn tìm kiếm hội nhóm trong ngành nghề, lĩnh vực của mình để tìm khách hàng. Ban đầu, nếu chưa tự tin chia sẻ kiến thức, thông tin, bạn có thể mở rộng vòng kết nối bằng cách thả tim, bình luận… Dần dà, sau khi quen nhà, quen người, bạn viết bài chia sẻ để thể hiện mình là một chuyên gia trong ngách hoặc chia sẻ về công việc bạn đang làm để thu hút khách hàng tiềm năng.


Với fanpage, đó có thể là fanpage của một doanh nghiệp, một doanh nhân, một người nổi tiếng trong ngách bạn chọn… Quan trọng là bạn phải biết cách xuất hiện, gây ấn tượng và kết nối. Chủ động và chân thành, đây là 2 từ khóa mình tặng bạn!


5. Blog/website/facebook cá nhân


Thông qua việc xây dựng nội dung blog/website/facebook, bạn có thể tạo dựng thương hiệu cá nhân để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Nếu duy trì việc này đều đặn và tạo ra những ảnh hưởng nhất định, bạn sẽ không cần đi tìm khách hàng nữa, chính blog/website/facebook của bạn sẽ là thỏi nam châm hút khách.


Đương nhiên, không phải Freelancer nào có blog/website/facebook là được khách hàng “ngó” tới. Bạn phải biết cách biến nó thành công cụ hút khách hiệu quả.

Ít nhất, khi vào blog/website/facebook của bạn, khách hàng sẽ thấy vấn đề mình đang gặp đã được giải quyết hoặc sẽ được giải quyết một cách hiệu quả bởi một “chuyên gia”. Để làm được điều này, bạn cần có kế hoạch, chiến lược cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu, tiếp thị nội dung… và cam kết thực hiện nó nhất quán, bền bỉ.



6. Phương pháp “dò đài bằng tay”


Đây là phương pháp kiếm khách mà mình thích nhất và áp dụng từ lúc “hành nghề” đến nay. Cách thực hiện không khó nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn:

  • Bước 1: Lọc danh sách các công ty/tổ chức/cá nhân trong ngách bạn chọn mà bạn thích, bạn thấy phù hợp.

  • Bước 2: Thu thập danh sách địa chỉ liên hệ, người phụ trách chính.

  • Bước 3: Nghiên cứu “đối thủ” để hiểu họ làm gì, họ cần cải thiện ở đâu, bạn có thể giúp gì cho họ.

  • Bước 4: Chuẩn bị Portfolio, dự án mẫu và thư đề xuất hợp tác.

  • Bước 5: Gửi và đợi phản hồi.

Cách này giúp bạn khoanh vùng khách hàng: khách hàng đúng ngách, khách hàng giúp bạn phát triển công việc, khách hàng có khả năng chi trả,…

Đổi lại, bạn phải cẩn trọng, tỉ mỉ và chỉn chu ở khâu chuẩn bị. Từ việc lọc ra danh sách khách hàng tiềm năng uy tín, đánh giá năng lực bản thân có phù hợp với địa chỉ A,B,C bất kỳ cho đến cách viết thư đề xuất hợp tác, liệt kê danh sách dự án mẫu từng thực hiện…


Chưa hết, phương pháp “dò đài bằng tay” rất dễ gây nhụt chí, nản lòng. Bạn nên chuẩn bị một tinh thần không sợ bị từ chối, sẵn sàng gửi lại đề xuất hoặc tìm kiếm địa chỉ khác phù hợp hơn.

Hình ảnh: Unsplash/Jeshoots


Mình vừa chia sẻ 6 cách tìm kiếm khách hàng cho Freelancer mới vào nghề. Tùy ngành nghề, lĩnh vực mà bạn cân nhắc nên chọn cách nào hoặc áp dụng cùng lúc nhiều cách. Khó không khó nhưng cũng không phải dễ dàng, hãy chủ động, kiên nhẫn và “làm tới cùng” để có khách hàng tốt nhé.


Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Nguyễn Nhàn và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.


bottom of page