Trước khi kiếm tiền từ sở thích, bạn hãy tự hỏi mình 5 câu dưới đây
Biến một sở thích thành công việc kiếm ra tiền có thể ví như phù phép một giấc mơ trở thành hiện thực! Nhưng hiện thực ấy sẽ thành công rực rỡ hay trở nên bế tắc thì còn tùy thuộc vào kiến thức và sự chuẩn bị của bạn.
Bạn phải biết cách chuyển tư duy từ việc yêu thích điều gì đó sang suy nghĩ thực tế hơn, hoàn toàn không có chỗ cho mơ mộng. Khi bạn chỉ đơn thuần hứng thú, bạn có thể làm việc này bất cứ lúc nào bạn muốn với cảm giác tận hưởng. Nhưng nếu muốn biến sở thích thành công việc kiếm tiền, bạn cần phải có tư duy kinh doanh, cái nhìn đúng đắn về thị trường, một lịch làm việc khoa học cùng một tinh thần giữ kỷ luật cao.
Vì vậy, dưới đây là 5 câu hỏi giúp bạn tự rà soát bản thân xem liệu mình có thể biến một sở thích thành nghề sinh lợi hay không.
Một, thị trường của bạn có tiềm năng không?
Mục tiêu của bạn không chỉ có đam mê mà còn là kiếm tiền, thế nên nghiên cứu thị trường sẽ là bước đầu tiên, thậm chí còn là bước quyết định các sản phẩm mà bạn cung cấp sau này.
Vì sao lại như vậy? Chắc hẳn bạn không muốn đứa con tinh thần của mình vừa ra mắt đã bị ghẻ lạnh. Giả sử bạn rất giỏi tạo những kiểu tóc trẻ trung và năng động cho giới trẻ thì tiệm của bạn sẽ không thể đặt ở một vùng quê mà khách hàng ở đây chỉ toàn những người trung niên.
Nếu chỉ đâm đầu làm theo ý thích của bản thân mà không quan tâm đến việc khách hàng là ai và họ cần điều gì thì khả năng cao là bạn sẽ thua lỗ, không phải tiền bạc cũng là thời gian.
Và nếu như vậy thì đó không phải là kinh doanh mà bạn chỉ đơn thuần đang giải trí bằng đam mê của mình thôi.
Theo thống kê của thế giới và ở cả Việt Nam, hơn 50% doanh nghiệp bị dừng hoạt động sau 1 năm tham gia thị trường. Không hiểu hết thông tin thị trường và không có kinh nghiệm về sản phẩm, dịch vụ là một trong số nguyên nhân hàng đầu.
Vậy thì cách duy nhất để khắc phục là bạn hãy chuẩn bị thật đầy đủ và kỹ càng tất cả thông tin về thị trường để có chiến lược kinh doanh đúng đắn.

Dưới đây là một số cách thức nghiên cứu thị trường mà bạn có thể áp dụng:
Khảo sát, điều tra. Bạn có thể tạo các bảng câu hỏi để khảo sát trực tiếp hoặc gửi đến người được khảo sát thông qua email, điện thoại hoặc các diễn đàn, hội nhóm. Hãy kèm theo món quà nho nhỏ để thu hút người ta tham gia khảo sát.
Phỏng vấn nhóm hoặc phỏng vấn sâu. Ưu điểm của phương pháp này là với mỗi khách hàng, bạn sẽ thu thập được một lượng thông tin lớn, chi tiết và tường tận từng vấn đề. Nhưng những thông tin này sẽ không đại diện cho toàn bộ tệp khách hàng của bạn.
Thử nghiệm. Bước khảo sát này được thực hiện khi bạn đã có sản phẩm mẫu và cần quan sát phản ứng của khách hàng trước khi nhân rộng sản phẩm theo quy mô lớn.
Theo dõi, phân tích hành vi sử dụng internet của người dùng. Để đạt hiệu quả với phương pháp này, bạn hoặc cộng sự cần có kiến thức chuyên môn về Internet, Big Data mới có thể kết luận chính xác về thông tin.
Hai, bạn đã sẵn sàng cho một cuộc sống bận rộn gấp đôi?
Tuy rằng bạn đã có thể sống rất tốt với công việc hiện tại nhưng nếu đã xác định làm công việc tay trái để kiếm tiền, bạn cần phải đặt ra thời gian làm việc hợp lý và tuân thủ nghiêm túc mỗi ngày. Lúc này, bạn sẽ cần chăm chỉ gấp đôi. Nhất là trong giai đoạn mà mọi thứ còn chưa ổn định và dự án có rất ít nhân sự tham gia, hãy xác định trước rằng rất có thể bạn chỉ được chợp mắt 4-5 giờ trong nhiều ngày liền.
Chưa kể, con đường khởi nghiệp luôn trải đầy gai trước khi bạn nhìn thấy hoa hồng. Bạn sẽ cần đối mặt với hàng trăm lần khách hàng từ chối, khách hàng phản hồi không tốt về sản phẩm hay tệ hơn là có những câu nói làm tổn thương bạn. Cùng một lúc, bạn sẽ cần tạo cho bản thân một bộ lọc để chỉ nghe thấy các ý tưởng cải tiến sản phẩm, bỏ ngoài tai những chỉ trích cá nhân, giữ lại các ý kiến đóng góp có giá trị và đồng thời vẫn phải nỗ lực hàng ngày, hàng giờ dù hàng tá áp lực đang chất đống trên vai.
Người thân và bạn bè ban đầu có thể ủng hộ quyết định kinh doanh của bạn. Nhưng đến khi mọi việc không suôn sẻ, cái bạn nhận được từ họ có thể không phải một gợi ý hay ho hay vài lời động viên tiếp sức mà là “Bố/mẹ/anh/em biết ngay mà, thôi đừng làm nữa, tập trung vào việc chính thôi”.
Bạn đã sẵn sàng tâm lý cho tất cả những điều này chưa?
Ba, kỹ năng quản lý thời gian của bạn có đủ tốt?
Đưa ra các đầu việc và deadline cụ thể là một khởi đầu tốt. Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng kế hoạch.
Bạn có thể bị sao nhãng bởi những lời mời cafe từ bạn bè, những trận bóng đá hấp dẫn hay đơn giản là vì bạn đang mệt đến nỗi không thể nghĩ ngợi gì thêm.
Nếu bạn đã từng rơi vào tình trạng này, hãy nhớ rằng hoàn thành công việc đúng hạn không chỉ là cách tuyệt vời để nuôi dưỡng ý chí mà còn là cách tốt nhất để dự án của bạn nhanh chóng thành hình và sớm được công khai với thế giới. Nếu cứ trì hoãn hết lần này đến lần khác thì rất tiếc, có thể bạn không phù hợp với "khởi nghiệp".
Hãy rà soát lại những lý do khiến bạn thường xuyên trì hoãn và trễ hẹn với chính mình.
Nếu bạn thường làm dự án cá nhân vào buổi tối, thời điểm mà bạn đã quá mệt mỏi cả một ngày dài, tại sao không thử chuyển thời gian làm việc sang sáng sớm?
Nếu bạn chậm trễ vì bị cảm xúc chi phối, hãy thử đưa ra một hình thức kỷ luật cho hành vi này. Đồng thời, bạn có thể xoa dịu tâm trí bằng cách viết ra giấy một cách rõ ràng những cảm xúc, nỗi sợ từ sâu bên trong. Sau đó, thử tìm những bằng chứng để lật lại vấn đề và lấy lại niềm tin, bằng cách đọc những câu chuyện khởi nghiệp thành công từ người khác chẳng hạn.

Nếu bạn ép mình làm quá nhiều việc một ngày trong khi hiệu suất hiện tại không thể đảm đương nổi, hãy luôn dự trù một plan B để cân đối. Khi cảm hứng tăng cao, bạn hãy tranh thủ thời gian để làm việc năng suất nhất có thể. Và khi đã cạn kiệt năng lượng, hãy tự cho phép mình làm việc bớt đi và nghỉ ngơi một chút.
Một lời khuyên nữa dành cho bạn là hãy tận dụng những ứng dụng công nghệ (Ví dụ: Google Calendar) như một thư ký riêng giúp bạn lên lịch trình và nhắc nhở bạn mỗi ngày.