top of page

Blog flipper Quyên Lê Gjone: Trải qua 10.000 giờ làm việc để kiếm được 10.000$/tháng từ blog

Covid là một cột mốc “kỳ lạ” của nhân loại bởi nó vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những người “thức thời”. Quyên Lê Gjone, một blogger từ năm 2016 với ước muốn sơ khai là chia sẻ những kinh nghiệm du lịch đó đây ở Châu Âu, chị đã lội ngược dòng cùng đại dịch để biến đam mê viết blog thành việc kinh doanh blog với mức thu nhập hàng ngàn đô. Hãy cùng A Freelance Doer lắng nghe câu chuyện thú vị đằng sau mẹ bỉm siêu nhân đã khởi nghiệp và trở thành chủ vựa blog như thế nào qua bài viết sau:


Chào Quyên, mời bạn giới thiệu về mình


Mình tên là Ngọc Quyên, sống ở Bắc Âu được 8 năm. Hiện tại, mình đang định cư tại vùng ngoại ô Na Uy. Trước khi trở thành Blog flipper, mình là nhân viên văn phòng về mảng marketing. Covid ập tới khiến công việc xáo trộn và mình dịch chuyển sang làm việc tự do tại nhà. Cũng trong khoảng thời gian này, mình chính thức trở thành mẹ của ba em bé (bé thứ ba vừa tròn 14 tháng cách đây vài ngày).



Bạn có thể nói một chút về câu chuyện đến với Blog flipping (Mục đích đầu tiên bạn tạo blog là gì? Trang blog đầu tiên bạn sở hữu là? Quá trình bắt đầu với blog flipping?)


Từ những năm 2012 đến 2014, mình là biên tập viên của tạp chí Tiếp thị và gia đình. Mình làm việc cho công ty mẹ, viết bài đăng trên wordpress trong mảng du lịch và phong cách sống, tất tần tật về viết blog mình đã quá quen thuộc nên mình cũng chỉ nắm thao tác cơ bản mà không đi sâu vào các phần kỹ thuật bên trong. Năm 2014, mình đi du học Thuỵ Điển. Năm 2015, mình bảo lưu kết quả học ở Thuỵ Điển để kết hôn và chuyển sang Na Uy sinh sống. Năm 2016, mình nghĩ đến việc viết blog cá nhân và quyết định đi phượt một mình ở châu Âu. Lúc ấy, mình cần tìm hiểu về Czechia (Cộng hoà Séc) nhưng không tìm ra thông tin trừ các nguồn từ những blogger du lịch viết bằng tiếng Anh. Mình ước phải chi có một trang viết du lịch với thông tin bằng tiếng Việt để phù hợp và tiện dụng cho người Việt đam mê du lịch. Vì tìm không được trang web nào như ý muốn, mình bắt đầu mày mò. Lúc đầu, mình thuê dịch vụ nhưng không ổn nên về sau, mình tự xử bằng cách vừa làm vừa học hỏi từ các blogger nước ngoài.


Cứ kiên trì làm và học song song như vậy, thu nhập bắt đầu đến từ việc viết blog như bài tài trợ quảng cáo cho các nhãn hàng, hiển thị quảng cáo trên trang… So với mức sống ở nước ngoài không thấm vào đâu nhưng đây cũng trở thành nguồn thu nhập phù hợp cho bố mẹ mình ở Việt Nam.


Đùng một cái, dịch bệnh ập đến, du lịch trở thành một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất, trong đó travel blogger như mình cũng không phải ngoại lệ, phải tìm hướng đi khác. Mình quan sát đã có rất nhiều blog hướng dẫn về viết blog nhưng phần lớn là do những người có chuyên ngành về IT chia sẻ hơi khó hiểu cho những người không chuyên. Nên mình bắt tay vào viết blog Trang đầu tiên là blog song ngữ fromhobbytomoney.com (được viết bằng tiếng Việt và Anh) để phù hợp hơn cho những người không chuyên muốn tìm hiểu về blog.


Giữa năm 2020, mình tìm được khái niệm “blog flipping” song không có nhu cầu, chỉ là đọc cho biết. Mình thấy cũng hay nên đã tạo tài khoản miễn phí. Bẵng đi ít lâu sau, mình lại đọc bài viết khác về blog flipping. Mình kết hợp thông tin của hai bài này và nhận thấy mảng cũng tiềm năng và mình lại có thời gian trống. Bắt đầu, mình mới làm thử bằng cách bán luôn cái blog song ngữ đang viết. (Cười).


Sau hơn một năm đầu tiên hành nghề, bạn đã đạt được những thành tựu gì (bao nhiêu blog được bán, doanh thu, cơ hội công việc,...)


Lúc ấy, mình mua hai tên miền: một tên về tài chính là đăng bán ngay lập tức, mua 10 USD bán được 90 USD. Blog thứ hai là về viết lách thì mãi sau 11 tháng mình mới bán được với giá 800 USD, gồm khoảng 12 bài viết đăng sẵn trên blog.


Cũng trong 11 tháng này, mình hoạt động cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch, trong đó nổi tiếng nhất là Flippa. Năm đầu tiên, mình tự học nên mày mò kinh doanh blog theo kiểu “vừa bán vừa cho” để lấy kinh nghiệm, quan sát xu hướng thị trường. Từ 06/2020 - 12/2020, thu nhập từ mua bán blog này là 3.500 USD. Con số này trong 6 tháng khởi điểm là tạm ổn dù chưa phải là mức bản thân mong muốn.


Mình tiếp tục tìm hiểu và đọc hết blog của cây đa, cây đề trong ngành. Song song đó, mình tập trung toàn bộ vào flipping, đầu tư domain, tool đi kèm để hỗ trợ cho việc kinh doanh. Tính đến cuối năm 2021, có lẽ mình đã đạt được cột mốc 10.000 giờ làm việc làm việc với blog – “con số vàng” mà Malcolm Gladwell đề cập trong quyển sách “Những người xuất chúng” để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Đây cũng là năm đầu tiên Quyên đạt được mức thu nhập 6 chữ số đầu tiên trong suốt 10 năm đi làm của mình. Nguồn thu nhập này đến từ blog flipping và hai nguồn khác cũng liên quan ít nhiều đến lĩnh vực này.


Hai nguồn mình đề cập ở trên là thu nhập đến từ thiết kế website (ví dụ như khách mua blog xong, họ muốn chỉnh lại giao diện/thiết kế thêm bớt để cá nhân hoá), và dịch vụ viết content cho chính những blog mình đã bán.


Được biết Quyên là mẹ của 3 em bé, làm sao bạn cân bằng được thời gian làm mẹ và công việc kinh doanh? Bạn có áp dụng công thức, tip đặc biệt gì trong việc quản lý thời gian không?


Mỗi nhà mỗi cảnh, mình nghĩ bất cứ ai đã là mẹ đều có trực giác sắp xếp mọi thứ ổn thoả. Cá nhân mình không có tips gì đặc biệt cả. Mình nhận thấy hai việc sau sẽ giúp các mẹ giải phóng được khối lượng công việc rất nhiều.


Một là, mình không ngại đầu tư vào máy móc thay thế sức lao động như máy rửa chén, robot hút bụi. Cái gì mà máy móc làm được thì mình ưu tiên.

Hai là, như bao bà mẹ khác, mình luôn tận dụng tối đa khoảng thời gian con đi nhà trẻ, con ngủ, con xem phim hoạt hình để giải quyết công việc gấp đột xuất. Nói chung, làm mẹ là phải “TRANH THỦ”. Và mình luôn tự nhủ là không tham công tiếc việc vì những việc lặt vặt dồn lại sẽ mất nhiều thời gian.


Một điều quan trọng nữa ảnh hưởng đến quỹ thời gian của các mẹ là tính đặc thù ngành nghề theo đuổi. Có mẹ làm nghề mà bản chất công việc không thể giao việc cho người khác phải tự tay đảm trách sẽ rất ít thời gian. Quyên may mắn là do nhóm ngành mình chọn chủ yếu là cài đặt thì bạn VA sẽ làm thay các việc này. Hay như một số việc viết lách sẽ do AI phụ trách. Cũng nói thêm là, không phải công việc nào cũng may mắn có tool hoặc giao hết cho VA được nên đã làm mẹ, xem như đây là công việc fulltime, tất cả còn lại mang tính chất phụ trợ. Mình thấy các mẹ ở Việt Nam có một “lợi thế” là mọi thứ có sẵn và được phục vụ tận tay so với các mẹ ở nước ngoài thì hầu như tất cả là tự thân vận động rồi.



Với khối lượng công việc kinh doanh và làm mẹ bận rộn như thế, có khi nào bạn rơi vào khủng hoảng không? Nếu có, bạn đã vượt qua bằng cách nào?


Áp lực, khủng hoảng thì mình nghĩ tuổi nào, nghề nào cũng sẽ gặp ít nhất một (vài) lần. Thời điểm bắt đầu kinh doanh, chúng ta thường lo lắng về kinh nghiệm, khách hàng. Công việc bén rễ được thời gian, chúng ta lại hỏi chính mình “Tôi có muốn như vầy cả đời không hay sẽ làm việc fulltime để có lương hưu?” Rõ ràng, mỗi giai đoạn trong đời người luôn có những mục đích ưu tiên đi kèm những áp lực, lo toan.


Mình từng bị trầm cảm sau sinh khi sinh bé thứ ba. Đó là thời điểm vừa xong năm đầu Covid. Mọi thứ bị phong toả về cả không gian lẫn tinh thần, đặc biệt với người mẹ mới sinh cộng thêm áp lực của gia đình nhỏ có ba đứa con, áp lực là con một với gia đình bố mẹ ở Việt Nam


Tưởng chừng mình đứng ngay bờ vực chỉ cần nghiêng một bước mọi việc sẽ rất khủng khiếp. Nhưng rồi, mình bình tâm và với lấy điểm neo là gia đình để “bơi” vào bờ. Trải qua mọi chuyện, mình thấy ở những cột mốc chấp chới đó, mỗi người cần bình tâm và đọc câu thần chú “Mọi việc rồi cũng sẽ qua”. Chắc chắn là như vậy.


Theo Quyên, những ai có thể bước vào nghề blog flipping? Ví dụ làm blog sẽ liên quan đến viết/kỹ thuật, vậy có phải việc này chỉ dành cho người viết/dân IT code web?


Điều kiện cần đầu tiên là phải biết tiếng Anh, nhất là các bạn định hướng làm trên sàn giao dịch quốc tế. Tiếng Anh không cần quá cao siêu, ở mức tiếng Anh văn phòng để trao đổi thông tin với khách hàng và viết bài. Điều kiện cần thứ hai là kỹ năng viết ổn để lên các nội dung trên blog.


Còn điều kiện đủ theo quan điểm cá nhân mình là phải có duyên với nhóm ngành theo đuổi. Rất nhiều bạn ở thời gian đầu cực kỳ hào hứng nhưng nếu 1, 2 tháng không bán được blog, các bạn tụt năng lượng làm việc. Vậy nên, mình nghĩ mọi người khi xác định trở thành blog flipper cần kiên nhẫn và hợp duyên với ngành.


Kiến thức tạo blog trên WordPress hiện nay rất đơn giản. Các bạn có thể tìm thông tin các nguồn tự học trên Google hoặc từ các blogger VN chia sẻ. Công việc này không đòi hỏi background về IT vì bản thân Quyên cũng là người “ngoại đạo”. Thêm nữa, các tool hỗ trợ blog ngày càng phổ cập. Tuy nhiên, nếu bạn có sẵn chút kiến thức ngành vẫn tốt hơn trog việc chủ động xoay sở, giao dịch với khách hàng.


Ngoài những lý do đặc thù về blog, kinh doanh blog có khác biệt gì so với kinh doanh những sản phẩm số khác?


Khác biệt ở chỗ với 1 sản phẩm số (e-book, khóa học, template...), bạn có thể tạo 1 lần và bán 1.000 bản như nhau. Tuy nhiên, với việc bán blog thì để bán 1.000 lần, bạn sẽ phải tạo 1.000 blog tương ứng.


Những thuận lợi và khó khăn của blog flipping:


Thuận lợi #1: Quyên hoạt động chủ yếu ở sàn giao dịch quốc tế nên nhận thấy việc chênh lệch tỷ giá thật sự là một lợi thế. Ví dụ, bạn đăng bán blog với giá 200 USD/blog, người nước ngoài sẽ rất dễ dàng chi số tiền này để mua blog mà không quá nhiều đắn đo như khách hàng ở thị trường Việt Nam vì khi quy đổi tỷ giá, số tiền chi trả là gần 5 triệu đồng/blog.


Thuận lợi #2: Sàn giao dịch giúp mình dễ tìm khách hàng so với việc tự tìm từ nguồn khách nhỏ lẻ bên ngoài cho các dịch vụ khác đi kèm. Bạn có thể so sánh việc đăng bán trên sàn cũng như việc bán một món hàng ngoài chợ. Chợ là môi trường giúp bạn dễ tiếp cận với một nguồn khách hàng lớn và bán được nhiều sản phẩm hơn so với việc tự bán một sản phẩm bên ngoài.


Thuận lợi #3: Mình chủ động trong việc sắp xếp thời gian làm việc. Ví dụ, bạn là freelancer, bạn còn phụ thuộc vào deadline, KPI. Nếu bạn làm blog flipping thì bạn sẽ thoải mái về mặt thời gian vì không bị áp lực từ sếp hoặc khách hàng.


Khó khăn:


Đối với thị trường quốc tế: đây là thị trường đỏ vì rất nhiều cạnh tranh. Những bạn ở Việt Nam bị hạn chế lớn nhất là về ngôn ngữ khi tham gia vào kinh doanh lĩnh vực này.


Pháp lý: Đa phần mọi người có thói quen và cũng chuộng những công cụ, template miễn phí nhưng cái gì miễn phí cũng đi đôi với hạn chế tính năng. Thêm nữa, mọi người chưa trang bị và tìm hiểu kỹ các vấn đề điều khoản chính sách liên quan đến bản quyền. Đây thực sự là một cái “bẫy” nếu chúng ta lơ là hoặc do trang bị không đầy đủ kiến thức.


Blog flipping cũng đặc thù ở chỗ bạn cần đầu tư thời gian và chờ đợi để một business có thể bắt đầu vận hành suôn sẻ. Thế nên, bạn cần phải nhẫn nại và chuẩn bị tốt về mặt tài chính để đảm bảo thời gian chờ ngày “ra hoa, kết quả” từ công việc kinh doanh của bạn.



Blog flipping phát triển ở nước ngoài khá lâu nhưng ở Việt Nam thì rất mới. Đến thời điểm hiện tại, bạn thấy thị trường blog flipping ở Việt Nam có khởi sắc gì hơn chưa? Người bước vào thị trường blog flipping thời điểm hiện tại cần đảm bảo những điều kiện gì?


Theo Quyên nhận định thì vẫn còn mới ở Việt Nam, “mới” là vì chưa có thị trường, sân chơi chuyên biệt dành cho blog flipping ở Việt Nam, ngoại trừ những phát sinh mua bán nhỏ lẻ.


Thực ra, Quyên cũng là người mới, gia nhập từ 2020 nên là cũng không dám nhận định, đánh giá gì nhiều, vì thêm nữa là Quyên hoạt động và kinh doanh blog chủ yếu ở thị trường nước ngoài.


Điều kiện để bước vào thị trường blog flipping nước ngoài:


  • Đầu tiên là tài chính: Tài chính l số vốn ban đầu để bạn mua hosting, tên miền, hình ảnh có bản quyền (để đảm bảo về pháp lý, sở hữu trí tuệ). Ngoài ra, tài chính ổn cũng đảm bảo cho bạn về thời gian chờ đến khi business này bắt đầu có doanh thu.

  • Thứ hai là kiến thức: Điều này bao gồm cả kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức ngoại ngữ, cụ thể như tiếng Anh là bắt buộc, không cần phải quá cao siêu nhưng bạn cần có tiếng Anh văn phòng để đọc hiểu tài liệu, thông tin trên các sàn giao dịch, làm việc và Hỗ trợ khách hàng. Ngành nghề nào cũng vậy, kiến thức là một trong nững điều kiện tiên quyết bạn phải trang bị cho bản thân. Nguồn học set up blog ngày nay vô cùng thuận tiện, miễn phí, bạn nên dành thời gian tra cứu.

  • Thứ ba là kiên nhẫn: không có công việc nào kiểu ngày một ngày hai có thể ra kết quả ngay lập tức.

  • Ngoài ra, mình cũng cần có tư duy về kinh doanh ở tầm cơ bản để đánh giá và làm việc với khách hàng.


Kế hoạch phát triển kinh doanh blog flipping của bạn trong 3 năm tới?


Mình vẫn sẽ tiếp tục vận hành và triển khai các nội dung xoay quanh ba mảng chính là: blog flipping, web design và content agency. Nhìn chung, các kế hoạch cũng không có gì đặc biệt lắm dù có rất nhiều ý tưởng sản sinh liên tục trong đầu nhưng thời gian không cho phép, mình lại khá hài lòng với những gì ở hiện tại: cân bằng được thời gian cho công việc và thời gian cho gia đình. Vốn là người rất yêu thích công việc văn phòng nên sau khi bé nhỏ đến tuổi gửi nhà trẻ, mình có kế hoạch quay lại văn phòng làm dân “cổ cồn trắng”.


Cám ơn Quyên đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn. AFD chúc Quyên nhiều sức khỏe để hoàn thành trọn vẹn mọi kế hoạch của bạn.


Ảnh: Nhân vật cung cấp


Nhân vật: Lê Thị Ngọc Quyên (Quyên Lê Gjone)

Kinh nghiệm: blogger, blog flipper

Bạn có thể tìm Quyên tại:

Facebook: https://www.facebook.com/ngocquyenmisa

Website: lethingocquyen.com; misagjone.com; vietblogkiemtien.co


---

Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Nguyễn Kim Phượng và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.


430 views
bottom of page