top of page

Freelance Writer Hải Dương: Mình cho đi một, mình học được mười

“Freelancer thì có nên làm miễn phí không?” - Có lẽ đây là một trong những câu hỏi kinh điển của những người mới bắt đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm làm freelancer. Chúng ta sợ “Mình chưa làm việc này bao giờ, làm thế nào họ có thể tin tưởng mình?”. Cũng đúng thôi! Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta phải cố gắng tìm kiếm khách hàng, làm cho người khác để có được sự công nhận. Chúng ta hoàn toàn có thể có được sự công nhận từ nhiều người, bằng cách tự làm-cho-mình, tạo ra sự công nhận cho chính mình.


Freelance Writer Hải Dương đã bắt đầu như thế. Mời bạn cùng lắng nghe câu chuyện của Hải Dương với bài học “cho đi” và những quả ngọt chị có được trên hành trình 2 năm bước vào con đường viết lách tự do nhé.


Làm gì thì vẫn không thể rời nghề Viết


Trước khi trở thành Freelance Writer trong lĩnh vực viết sáng tác, viết thương mại, Hải Dương từng là một cây viết chuyên phỏng vấn, lấy tin cho các đầu báo. Thời sinh viên, chị đã từng cộng tác với nhiều tờ báo điện tử dạng viết tin, phóng sự (Báo Quảng Nam, Nhịp sống thời đại).


Sau khi tốt nghiệp ngành Truyền thông báo chí, Hải Dương quyết định chuyển hướng sang viết thương mại vì “tính chất công việc văn phòng có vẻ phù hợp hơn với một đứa nhỏ xíu như mình”. Vẫn là viết, nhưng là… ngồi viết chứ không còn vừa đi vừa viết liên tục nữa. Thế nhưng, sau kỳ thực tập fulltime ở vị trí Content Marketing của một công ty tại Đà Nẵng, Dương lại thấy cuộc sống văn phòng có vẻ không phù hợp lắm. Thời điểm đó, Hải Dương biết đến cuốn sách Con đường trở thành Freelance Writer của chị Linh Phan và một số cộng đồng lớn nhỏ khác, thế là chị quyết định dấn thân để trở thành một Cây viết tự do.


Vào nghề, Hải Dương nấu một “nồi lẩu thập cẩm”


Đầu tháng 4.2021, Hải Dương lập blog duongstory.com. Mục đích ban đầu không phải để kiếm tiền hay xây dựng thương hiệu cá nhân cho người viết, đơn giản chỉ là chị muốn có một nơi lưu lại những kỷ niệm của mình, bằng chữ viết. Chính vì thế, đứng ở góc độ chuyên môn, nội dung trên blog lúc ấy khá giống một “nồi lẩu thập cẩm”. Ngoài tư duy, kỹ năng viết, blog còn có rất nhiều nội dung chia sẻ về sở thích đan lát, thêu thùa, và những bài tản văn tuổi thơ ngập tràn cảm xúc. Thời điểm đó, Hải Dương cũng chưa định hình rõ mình là một cây viết có chuyên môn cụ thể thế nào.


Nhưng chỉ sau đó gần nửa năm, nhờ có sự đồng hành của Mentor và bắt đầu thực hành viết chuyên nghiệp, Hải Dương quyết định phát triển blog thành một nơi chuyên chia sẻ kiến thức về kỹ thuật viết lách, trải nghiệm làm blog cá nhân, và hành trình trở thành freelance writer của riêng mình.


Blog hiện tại của Hải Dương sau hơn 1 năm sửa tập trung chuyên môn


Nhìn vào website hiện tại, bạn có thể thấy các chuyên mục nội dung, khoá học đã tập trung vào hướng dẫn kỹ năng viết và làm blog. Khi nhắc đến Hải Dương, mọi người cũng nhớ ngay đến Keyword “Writing Mentor - Người hướng dẫn viết”, “Blogger - Viết blog chuyên nghiệp”. Nồi lẩu thập cẩm ngày xưa giờ đã có tên gọi riêng, với những hình ảnh đặc trưng.


Riêng với lĩnh vực báo chí, dù không định hướng trở thành một phóng viên chuyên nghiệp , nhưng Hải Dương vẫn chưa bao giờ từ bỏ cái duyên với nghề. Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã có gần 6 năm cộng tác linh động với các đầu báo, tạp chí. Rất nhiều bài viết đã được chọn đăng, có nhuận bút, thậm chí được chọn để in sách như: Đoàn viên sau đại dich, Về nhà.


Hải Dương và các kênh báo/tạp chí đã hợp tác


Học, thực hành, hướng dẫn miễn phí và những bài học lớn


Hơn 106 bài viết blog, hàng trăm bài chia sẻ trên các cộng đồng, một group đồng hành viết lách với gần 5000 thành viên hoạt động năng nổ, và gần 5 khoá học viết với nhiều cấp độ - Đó là những điều Hải Dương đã xây dựng cho chính mình sau gần 02 năm dấn thân vào con đường Freelancing này.


Để có được số bài viết kia, chị đã không tiếc xoá đi hàng chục bài không phù hợp định hướng. Để tạo nên một cộng đồng viết lách an toàn được nhiều người hưởng ứng, chị đã kiên trì chia sẻ, kết nối với từng thành viên trong nhóm. Và để ra mắt những khoá học viết online/kèm cặp 1:1 chất lượng, chị đã sẵn sàng dạy kèm miễn phí cho rất nhiều bạn trẻ. Đặc biệt là, những điều này được làm không hề có chủ đích. Nhưng nhờ đó, Hải Dương đã bắt đầu có hướng đi, làm rõ hơn đích đến trong hành trình trở thành cây viết tự do của mình.


Những “quả ngọt” trên hành trình cho đi


Hải Dương chia sẻ “Ban đầu mình chỉ chia sẻ tại các cộng đồng những gì mình biết. Rồi sau đó, có bạn đầu tiên tìm đến ngỏ ý muốn học viết. Khi đó, mình soạn giáo trình theo kiểu cuốn chiếu, nay soạn - mai giao bài tập. Cứ như vậy ròng rã 2 tháng”.


Sau đó, nhờ việc liên tục xuất hiện, chia sẻ tại các cộng đồng, cộng với đều đặn lên bài trên blog, ngày càng có nhiều người tìm đến Hải Dương để học viết. Thời điểm ấy chưa đủ tự tin, nên Hải Dương vẫn quyết đồng hành với 10 bạn không-lấy-phí để làm đầy kinh nghiệm. Sẵn sàng cho đi, nhưng mình vẫn cần phải sống tốt thì mới cho đi được nhiều hơn. Sau quá trình này, Dương bắt đầu ra mắt những khoá online, kèm cặp 1:1 có phí.


Với Dương, việc chia sẻ và hướng dẫn miễn phí ở thời điểm đó như một bước đệm. Dù vẫn bắt đầu với viết lách, nhưng hướng dẫn viết lại là một việc rất khác. Cũng nhờ quá trình rèn luyện này, tháng 12/2021, Dương chính thức trở thành Mentor liên kết thuộc chương trình OWD Mentorship Program tại cộng đồng Những người viết hàng ngày.


Sở hữu một cộng đồng gần 5000 thành viên (Ngày đẹp trời để viết), Hải Dương xem đây như một ngôi nhà, nơi chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện của thân, cũng như tạo một vòng kết nối việc làm, hướng dẫn, thử thách có quà. Một số người trở thành mentee - người học viết. Một số trở thành khách hàng, đồng nghiệp, và tất nhiên là cũng không thể nào thiếu đi độc giả thân thiết. Không chỉ dừng lại ở mối quan hệ online, những người bạn này cho Hải Dương cảm giác anh em bốn bể là nhà. Những chuyến đi Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt càng làm cho sợi dây kết nối online này thêm chân thực, bền chặt hơn bao giờ hết. Những điều này, có lẽ nếu vẫn là một cô nàng văn phòng ngày ngày ngồi bàn viết chữ, sẽ khó thể nào có được.


Hải Dương và những "đồng phím" online bước ra đời thực


Học cách cho đi cũng là học cách vượt qua rào cản ngại chia sẻ


Đa phần, người mới đều có những nỗi lo tương tự nhau: không mối quan hệ, sợ không tìm được khách hàng, không có học viên, sợ đói job. Đây cũng là băn khoăn lớn nhất của Hải Dương khi mới bắt đầu, cho đến khi có học viên tìm đến, có khách hàng chủ động gõ cửa, và thậm chí là có những đồng phí là freelancer sẵn sàng gợi mở, chia sẻ dự án để làm cùng.


Hải Dương chia sẻ: “Trước đây chị rất ngại lên tiếng. Nhưng nỗi sợ này đã được xoá bỏ nhờ liên tục chia sẻ trong các cộng đồng”. Thử thay đổi mục đích một chút, có thể không cần cố gắng tìm kiếm khách hàng, nhưng nếu mình sẵn sàng cho đi thì khách hàng sẽ tự động tìm đến. Nếu bạn cũng thấy mình không giỏi trong việc kết nối, duy trì các mối quan hệ, thì thay vì nghĩ về những cách tạo dựng mối quan hệ, bạn có thể chọn chia sẻ để biến mình thành một “thỏi nam châm”, và rồi bạn sẽ có những khách hàng như cách mà Hải Dương đã bắt đầu.


Sau hơn 01 năm liên tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, Hải Dương đã gói ghém cho bản thân rất nhiều bài học:

  • Học cách cho đi, mình nhận ra khi giúp đỡ một ai đó không toan tính gì, bản thân nhận lại được rất nhiều, đó chính là hạnh phúc

  • Học được cách tự tin hơn, gạt bỏ rào cản “Tôi không đủ giỏi”, “Tôi chưa đủ tốt” mà chia sẻ tất cả những gì mình biết.

  • Học cách giao tiếp, lắng nghe, để hiểu học viên/mentee hơn.

  • Đọc những câu chuyện, chia sẻ của các bạn, mình mới biết hóa ra cũng có rất nhiều bạn đam mê viết như mình, muốn được viết tốt hơn, muốn kiếm tiền từ viết.

Khi được hỏi về việc “Có nên làm miễn phí khi mới bắt đầu không?”, Hải Dương không khẳng định có hay không, mà tuỳ trường hợp. Ít nhất với Hải Dương, việc cho đi vốn đã mang lại rất nhiều bài học rồi. Hơn nữa, việc cho đi không chỉ dành cho người mới bắt đầu. Nó vẫn luôn được tiếp diễn, bằng cách này hay cách khác. Mà để làm được điều này, nó phải xuất phát một cách thật tâm, chứ không phải là cố gắng cho đi để mong cầu nhận lại.


Làm việc, cho đi một cách “Tận tâm” & “kiên trì”


Viết sáng tác, viết thương mại cho khách hàng, hay viết bài báo chí, dù viết ở thể loại nào thì ai rồi cũng trải qua vài lần, thậm chí là hàng chục lần bị từ chối, chê bai. Mỗi thể loại viết mang một phong cách khác, dáng dấp khác của người viết. Từng là một cây viết báo chí, chuyển sang viết thương mại, Dương cho rằng chỉ cần rèn luyện đều đặn, biết đi đúng hướng, thì viết thể loại nào mình cũng "Master" được nó thôi. Bởi vậy, Dương vẫn thường hay chia sẻ với Mentee rằng: “Không có cách nào luyện viết tốt hơn bằng việc thực hành viết mỗi ngày”. Câu nói này cũng là châm ngôn Hải Dương chọn để theo đuổi nghề viết bền lâu.



Nói đến chuyện làm việc với khách hàng, Hải Dương cho rằng, việc cho đi không chỉ đến từ hình thức như “Ưu đãi dịch vụ, tặng kèm bài viết”, chị muốn được kết nối sâu hơn và lâu dài với khách hàng. Vì thế, cách chị cho đi sẽ được đặt trong từng cuộc gặp gỡ, trao đổi với khách hàng, và đem lên từng bài viết.


Tận tâm cũng là cách để chị nâng cao mức độ chuyên nghiệp khi làm việc. Bởi khi đó, tiến độ công việc sẽ suông sẻ hơn, khách hàng ít mất thời gian điều chỉnh, mức độ hài lòng cao hơn. Vì làm gì thì làm, điều quan trọng nhất vẫn là mình cần giải quyết nhu cầu của khách hàng một cách trọn vẹn nhất.


Bất kể khi nào chúng ta cũng có thể cho đi. Bằng cách này hay cách khác, nhưng cần phải đều đặn. “Bây giờ, dù không còn hướng dẫn viết miễn phí, nhưng mình vẫn đều đặn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm miễn phí trên các cộng đồng. Mentor của mình cũng là một người sẵn sàng cho đi, hướng dẫn và chia sẻ nhiều kiến thức hay ho miễn phí, mình nhận được nhiều giá trị từ chị ấy. Bản thân mình cũng muốn cho đi, lan tỏa những điều hay như vậy”.


---

Nhân vật: Hải Dương

Kinh nghiệm: Freelance Writer/Blogger

Bạn có thể tìm Hải Dương tại: Facebook cá nhân | Group Ngày đẹp trời để viết | Website

Ảnh: Nhân vật cung cấp



UPCOMING EVENTS

AFD Talk: Trở thành CTV báo & tạp chí - Giúp Freelancer xây dựng mạng lưới mối quan hệ và hợp tác thành công.


Tại buổi chia sẻ này, speaker Hải Dương và Nguyễn Nhàn sẽ giúp bạn:

+ Hiểu sâu về hai hình thức cộng tác với báo/tạp chí mà speaker đang hoạt động

+ Biết cách liên hệ với báo, tạp chí hiệu quả để đăng bài, nhận nhuận bút

+ Nắm rõ quy trình làm việc với báo, tạp chí để xây dựng uy tín cá nhân

+ Hiểu và kiên trì với con chữ, bài viết của mình sau nhiều lần bị từ chối


Để đăng ký sự kiện, mời bạn bấm "Register now" vào khung bên dưới.



315 views
bottom of page