Chuẩn bị gì để trở thành freelancer?
Trong và sau đại dịch Covid 2019, thị trường việc làm trên toàn thế giới có nhiều xáo trộn: suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt, các doanh nghiệp vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh để sinh tồn, vô tình làm nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp; xu hướng làm việc theo giờ, làm việc tự do ngày càng được ưa chuộng…
Thời thế thay đổi, các doanh nghiệp và cả chúng ta, những người lao động cần có sự điều chỉnh để thích nghi. Và một trong nhiều giải pháp được đánh giá là hiệu quả và phù hợp với bối cảnh hiện tại là xây dựng sự nghiệp tự do cho riêng mình.
Ở Việt Nam, 14% người đi làm chia sẻ rằng họ sẽ nghỉ việc để làm công việc tự do (Freelance); 39% chọn làm công việc cố định nhưng vẫn sẵn sàng làm công việc Freelance hoặc làm thêm công việc thứ 2, theo một báo cáo từ Anphabe.
Vậy người làm tự do (freelancer) cần chuẩn bị những gì để phát triển sự nghiệp tự do của riêng mình?
Freelancing nhập môn
Định nghĩa về freelancing - freelancer
Theo Upwork - trang tuyển dụng freelancer lớn nhất thế giới thì Freelancing là một hình thức làm việc độc lập, trong đó người làm việc được gọi là freelancer hoặc người làm tự do.
Điểm đặc trưng là người làm việc (freelancer) không bị ràng buộc bởi một nhà tuyển dụng cụ thể mà thường làm việc với nhiều khách hàng khác nhau. Freelancer xử lý công việc dựa trên hợp đồng, theo cách thức làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian. Trong freelancing, khách hàng trả tiền cho từng dự án, từng nhiệm vụ hoặc theo giờ, phụ thuộc vào thỏa thuận.
Làm freelancer, những cái được và mấtTrở thành freelancer đồng nghĩa bạn đang làm chủ “doanh nghiệp" của chính mình. Bạn được quyền lựa chọn khách hàng, dự án, đối tác… mình yêu thích hoặc cảm thấy phù hợp. Nếu trước đó, bạn phải làm tất cả các dự án sếp giao phó như điều bắt buộc thì khi làm tự do, bạn có thể từ chối.
Bạn cũng chủ động hơn về thời gian và tự sắp xếp khối lượng công việc của mình. Bạn có thể làm ít, làm nhiều, miễn sao đảm bảo chỉ tiêu. Bạn có thể sắp xếp thời gian đi du lịch cùng gia đình, chăm sóc con cái, nghỉ ngơi… mà không cần lo lắng bị ai để ý, phán xét.
Một cái được khác mà khi làm tự do mình nhận ra chính là cơ hội được thử nghiệm, thử sức. Nhờ đó, năng lực chuyên môn và nhiều kỹ năng liên quan khác của người làm tự do được mở rộng và phát triển. Đây cũng là chìa khóa để người làm tự do tăng thu nhập lên gấp nhiều lần.
Dù làm tự do nghe thú vị là thế nhưng trở ngại cũng không hề ít. Thậm chí, nhiều người đã quay lại với hình thức công việc 9-5 (nine-to-fine: ý chỉ công việc công sở, bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc và 5 giờ chiều) sau một thời gian thử làm tự do. Mình cho rằng điều ấy hoàn toàn bình thường khi người làm tự do phải đối mặt với rất nhiều thứ:
Người làm tự do gần như phải tự làm tất cả mọi thứ, từ việc tìm kiếm, tiếp cận khách hàng cho đến thương lượng, giải quyết các vấn đề phát sinh. Bạn cũng phụ trách luôn việc tiếp thị, bán hàng, phát triển nội dung trên các kênh nền tảng…
Thu nhập thiếu ổn định dẫn đến việc khó kiểm soát thu nhập hàng tháng. Có thể một vài tháng liên tục, thu nhập của bạn cao ngất ngưởng; sau đó vài tháng bạn không có dự án mới, thu nhập giảm đáng kể, thậm chí về 0.
Nếu chưa có sẵn đội nhóm hoặc thuộc nhóm người hướng nội, người tự do rất có thể rơi vào trạng thái cô đơn. Nhất là khi ngày ngày đến công ty, vốn quen với việc “hít hà drama công sở”, quay qua quay lại đã có đồng minh hỗ trợ…
Người làm tự do còn phải tự chi trả các chi phí liên quan đến phúc lợi như bảo hiểm, tiền thưởng lễ tết, thưởng cuối năm; các chi phí điện, nước, khấu hao máy móc; chi phí mua sắm công cụ, sản phẩm phục vụ cho công việc…
…
Các kỹ năng cần chuẩn bị để trở thành freelancer
Như đã phân tích ở trên, công việc tự do dù mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Bởi vậy, bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để “hành nghề”:
Kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi
Trong thị trường việc làm tự do, mức độ cạnh tranh giữa các freelancer rất gay gắt. Người làm tự do vì thế phải luôn trong tâm thế mài dũa kiến thức, kỹ năng hiện có và liên tục cập nhật cái mới để không bị “loại khỏi cuộc chơi”.
Một ví dụ dễ thấy là sự xuất hiện của công nghệ AI đã làm “giang hồ dậy sóng”. AI lấn sân và chi phối rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng vị trí content đã đưa kỹ năng sử dụng ChatGPT vào JD như một yêu cầu mà ứng viên cần phải có.
Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian
Kỹ năng quản lý thời gian được xếp thứ 7/18 với tỉ lệ 59% trong danh sách các kỹ năng phức tạp cần thiết trong tương lai, theo báo cáo về “Triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam giai đoạn 2018-2022” được thực hiện bởi Vietnamwork. Điều đó chứng tỏ kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian rất quan trọng.
Kỹ năng này còn được đánh giá là “kỹ năng sinh tồn” của người làm tự do. Vì chỉ cần sử dụng thời gian thiếu hợp lý, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng trễ deadline, nhiều dự án nằm chờ chưa thể giải quyết. Bạn khó nâng cao hiệu suất công việc và cải thiện được thu nhập. Bạn còn có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, bất lực và không thể tiếp tục làm tự do.
Mây Nguyễn, một người bạn của mình cũng là freelancer chia sẻ: Bạn đã dành nhiều thời gian cho việc phân tích những việc cần phải làm, tìm kiếm giải pháp tối ưu và đóng gói quy trình… Nhờ đó, hiệu suất nhân đôi, nhân ba và bạn chỉ cần 4 tiếng đồng hồ để xử lý khối lượng công việc mà trước đây bạn mất cả một ngày để hoàn thành.
Kỹ năng giao tiếp
“Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội.” - Theo Andrew, ông vua ngành thép của Mỹ. Điều này lại càng đúng khi bạn tự điều hành công ty “trách nhiệm hữu hạn một mình tôi”. Vòng kết nối tốt sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều: khách hàng, bạn bè, đối tác… sau đó là dự án, là cơ hội phát triển, là thu nhập… cuối cùng là một sự nghiệp tự do phát triển ổn định, bền vững.
Và để xây dựng được networking thì kỹ năng giao tiếp là một chìa khóa quan trọng.
Khi bạn có kỹ năng giao tiếp tốt, bạn có thể có thêm khách hàng mới, đối tác mới từ sự kiện offline, từ một buổi trò chuyện ngắn ngủi trên máy bay, từ những bình luận trên mạng xã hội… Sau đó, vòng kết nối được mở rộng và thêm bền chặt nếu bạn biết cách giao tiếp, ứng xử.
Không riêng hỗ trợ xây dựng networking, kỹ năng giao tiếp còn giúp bạn thuận lợi hơn trong việc trao đổi, làm việc với khách hàng; trong quan hệ đội nhóm, trong việc thương thảo, thuyết phục khách hàng mới…
Kỹ năng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần
Mình đã khá ngạc nhiên khi thể lực xếp thứ hạng ⅝ trong thống kê các loại năng lực cần thiết cho tương lai, theo báo cáo “Triển vọng nghề nghiệp và xu hướng kỹ năng tại Việt Nam giai đoạn 2018-2022” mà mình đã nhắc tới phía trên. Nhưng khi nhìn lại khoảng thời gian gần 1 năm làm công việc tự do, mình cho rằng con số thống kê trên hoàn toàn hợp lý. Mình đã liên tục gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, mình không thể nhận nhiều dự án, mà dù có dự án đi chăng nữa, mình cũng không đủ sức khỏe để có thể đảm bảo chất lượng công việc tốt nhất.
“Có sức khỏe là có tất cả", bạn đừng quên rèn luyện sức khoẻ nhé.
Tư duy, cái gốc để freelancer có thể tiến xa hơn
Để bắt đầu làm freelancer bạn cần kinh nghiệm, kỹ năng… và cả sự can đảm. Thế nhưng để tiến xa hơn trên con đường này, bạn cần nhiều hơn thế. Đó là chuẩn bị cho mình bộ tư duy đúng đắn để vững tin tiến bước bất chấp mọi khó khăn, thử thách.
Tư duy làm chủ
Bạn là chủ doanh nghiệp của chính mình, bạn được quyền quyết định và kiểm soát tất cả những gì liên quan đến nó. Đương nhiên, bạn cũng chính là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng.
Từ việc đơn giản như sắp xếp lịch làm việc hàng ngày cho tới xác định mục tiêu cá nhân, quản lý tài chính hay đưa ra các quyết định mang tính chiến lược để phát triển sự nghiệp freelancing.
Tư duy làm chủ không đứng yên mà cần phải liên tục được cải tiến, thay đổi theo từng giai đoạn phát triển.
Ví dụ khi sự nghiệp tự do của bạn đã ổn định, bạn muốn kết hợp với những đội nhóm khác hoặc tuyển thêm trợ lý từ xa. Lúc này, tư duy làm chủ của bạn cần nâng cấp thêm các kỹ năng như quản lý đội nhóm, điều phối công việc…để nâng cao năng suất và đảm bảo quyền lợi cho cộng sự, đối tác.
Tư duy cải tiến
.
Thị trường việc làm tự do ngày càng nhiều thử thách, cạnh tranh, buộc người làm tự do phải “sắm” cho mình tư duy cải tiến. Tư duy này đòi hỏi khả năng nhìn nhận công việc một cách sáng tạo và luôn tìm kiếm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng. Đồng thời thích nghi với các xu hướng mới, công nghệ mới, chủ độnglắng nghe phản hồi từ khách hàng để nâng cao hiệu suất, chất lượng dịch vụ…
Vài tháng trước, mình tham gia ứng tuyển vị trí trợ lý từ xa cho một freelancer. Mình thuận lợi vượt qua vòng hồ sơ nhưng nhanh chóng gặp bất lợi khi nhận bài kiểm tra đầu vào: tóm tắt nội dung video thời lượng 3 tiếng của một buổi học trong thời gian 5 tiếng. Vì không tìm ra phần mềm “hack” thời gian, mình chọn cách nghe vàgõ thủ công. Sau gần 4 tiếngmệt nhoài, mình hoàn thành bài test và kết quả cuối cùng không hề làm mình ngạc nhiên. Mình bị từ chối. Sau khóa học trợ lý, mình lần đầu biết tới khái niệm “bóc băng". Nhờ phần mềm bóc băng, bạn chỉ cần tải video lên và hệ thống sẽ trả về file nội dung dưới dạng văn bản. Thay vì ngồi nghe và gõ thủ công, bạn mất 1 tới 2 tiếng để điều chỉnh, biên tập lại nội dung.Hiệu suất và chất lượng đều được cải thiện đáng kể.
Câu chuyện của mình chỉ là một ví dụ rất nhỏ nhưng mình tin cũng đủ để bạn ý thức hơn trong việc cải tiến chuyên môn và kỹ năng. Nhất là khi công cụ AI ngày càng phát triển thì nguy cơ bị đào thải không loại trừ bất cứ một ai.
Tư duy làm việc có kế hoạch
Mình làm tự do chưa lâunhưng đã dần nhận ra: làm tự do không có nghĩa là “vô tổ chức”, là “muốn làm thì làm, nghỉ thì nghỉ”, tất cả đều phải cụ thể hóa bằng mục tiêu, kế hoạch chi tiết.
Mình từ một người luôn chán nản vì chẳng biết phải làmgì, nay bắt đầu ngày mới bằng thủ tục mở bảng theo dõi lịch cá nhân, liệt kê các công việc cần hoàn thành trong vòng 01-03 ngày. Sau đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên và đánh giá kết quả vào cuối ngày. Mình từ một người luôn tất bật chạy deadline, không dám nhận thêm dự án vì sợ thiếu thời gian đã tự tin quản lý nhiều dự án cùng lúc. Cũng nhờ cách làm việc chuyên nghiệp, chất lượng công việc đảm bảo, mình có khách hàng tìm đến.
Mình từ một người thường xuyên lo lắng, tự ti về hành trình làm tự do trở nên tích cực, lạc quan khi thấy
mọi thứ đang tốt dần lên.
Có thể những điều mình chia sẻ trong bài viết chưa đủ để bạn xây dựng sự nghiệp tự do bền vững và thu lợi nhuận. Nhưng mình tin bạn đã có thêm góc nhìn về Freelancing, về một xu hướng việc làm đang được ưu ái và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho hành trình thử nghiệm - chinh phục của chính mình.
Chúc bạn “chân cứng đá mềm" và gặp thật nhiều may mắn.
Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Ly Possible và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.
Nguồn tài liệu
https://www.upwork.com/resources/what-is-freelancing
https://careerhub.haui.edu.vn/media/30/uffile-upload-no-title30072.pdf