Làm Freelance Tour Guide có gì vui?
“Là cái nghề được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, tự tin khoe cá tính và có cơ hội đi đó đây,…
Nghe hấp dẫn ha? Quất liền!”
Cách đây 12 năm về trước, mình cũng bị những lời “đồn đại” này hạ đo ván trong một nốt nhạc khi chọn ngành Đại học. Bén duyên chính thức với nghề Hướng dẫn viên du lịch (Tour guide) đến nay cũng đã được gần 10 năm, đắng cay có đủ. Nhưng vẫn phải công nhận rằng, việc trở thành một Freelancer Tour Guide đã mang đến cho mình rất nhiều trải nghiệm độc đáo và thú vị trong đời.
1. Tổng quan về nghề
1.1 Một định nghĩa về sự đa zi năng của nghề
Theo Wikipedia: “Hướng dẫn viên du lịch là người sử dụng ngôn ngữ đã lựa chọn để giới thiệu và giải thích cho du khách các di sản văn hóa cũng như thiên nhiên của một vùng cụ thể được các cơ quan liên quan công nhận. Nói cách khác, hướng dẫn viên du lịch là người thực hiện các điều khoản được ký kết trong hợp đồng cung ứng dịch vụ lữ hành, giúp doanh nghiệp lữ hành thu được lợi nhuận kinh tế và giúp du khách hiểu biết thêm về điểm đến (điểm tham quan) thông qua chuyến đi và bài thuyết minh.”
Với định nghĩa này, mình cảm thấy vẫn chưa đủ cho người đọc. Bởi “những điều khoản được ký kết trong hợp đồng lao động cung ứng dịch vụ lữ hành” thực sự không thể lột tả hết được vai trò cực kỳ “đa zi năng” của một HDV thực sự. Mình có một đề xuất khác dựa trên kinh nghiệm riêng:
“HDV (Tour guide) là người đại diện cho công ty cung ứng dịch vụ du lịch làm nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu những khu di tích lịch sử, địa điểm danh lam - thắng cảnh và dịch vụ du lịch có liên quan trong chương trình tour (ý 1); đồng thời là người đại diện cho công ty du lịch, phối hợp với dịch vụ thứ ba giám sát, sắp xếp việc cung ứng sản phẩm có bao gồm trong chương trình tour đến du khách kịp thời và hợp lý (ý 2).”
Suốt 10 năm bám sát định nghĩa này, mình thấy bản thân có thể sống ổn với nghề. Trải qua hai năm kinh tế khó khăn, dưới ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ, mình tin rằng định nghĩa về ngành HDV cũng có một số sự thay đổi nhất định. Điều này vừa nâng độ khó của nghề lên một bậc đồng thời vừa mở rộng thêm cơ hội cho các bạn trẻ vào ngành.
1.2 Triển vọng nghề
Trong tương lai, khi thông tin du lịch trở nên phổ biến và rộng rãi, mình vẫn khẳng định HDV luôn có một chỗ đứng. Bởi du khách dù có tìm hiểu thông tin nhiều đến thế nào, hay việc công nghệ Trí tuệ nhân tạo, du lịch không gian ảo,... có phát triển đến đâu, thì việc truyền cảm hứng trong từng điểm đến bằng lời nói của một HDV ngoài đời thật vẫn luôn hấp dẫn hơn nhiều. Nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền để thuê một HDV địa phương đồng hành cùng họ trong suốt chuyến tour khám phá văn hoá bản địa. Đây là điều mình tự tin nhất khi chia sẻ về tương lai nghề Hướng dẫn viên tại Việt Nam.
Năm 2019, lần đầu tiên một công ty do người Việt Nam sáng lập mang tên là Triip.me xuất hiện trên chương trình gọi vốn Shark Tank Việt Nam, đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain vào thị trường du lịch, hứa hẹn làm thay đổi bộ mặt du lịch trên toàn thế giới. Du khách sẽ không cần thông qua bất cứ công ty du lịch lữ hành nào để đặt được gói tour nữa. Giờ đây, họ chỉ cần truy cập vào ứng dụng của công ty và chọn lấy một chương trình tour phù hợp được thiết kế trực tiếp bởi một hướng dẫn viên địa phương. Đây cũng giống hệt như ứng dụng gọi xe ôm công nghệ khi bất kỳ ai cũng có cơ hội được trở thành tour guide với gói tour tự thiết kế. Ngoài Triip me, hiện nay Withlocal cũng là một ứng dụng kết nối HDV địa phương với du khách có trụ sở tại Hà Lan. Đây chính là xu hướng du lịch tìm hiểu về văn hoá bản địa và hòa mình với thiên nhiên tại các quốc gia phát triển trong những năm trở lại đây.
1.3 Sự khó khăn của nghề trong tương lai
Bỏ qua những vấn đề khó khăn cơ bản của ngành như: Đối mặt với tử thần, áp lực về tâm lý cực kỳ lớn, tính trách nhiệm cao,... bởi ai cũng có thể nhìn thấy rõ điều này. Thứ mình muốn bàn về sự khó khăn trong ngành chính là mức độ cần thiết của HDV trong thị trường du lịch.
Vấn đề là theo thời gian, kiến thức về điểm đến, lịch trình tour, cung đường, tuyến điểm,... ngày càng dễ tìm và gần như có sẵn trên không gian lưu trữ mạng. Một du khách hoàn toàn có thể lên Google và tìm hiểu bất cứ thứ gì họ muốn biết tại điểm đến. Tại sao họ lại cần một người cung cấp thông tin nữa chứ?
Ngày nay, các ứng dụng công nghệ du lịch như Traveloka, Klook, KKday,... đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành du lịch, phá vỡ thế độc quyền cung ứng dịch vụ trọn gói của các ông lớn trong ngành Du lịch trọn gói (Full Package tour). Chưa bao giờ việc du lịch tự túc (Free and Easy tour) lại dễ dàng đến thế nên càng ít có người cần đến sự hỗ trợ của một HDV bằng xương bằng thịt.
Chưa hết, sắp tới còn có sự đột phá công nghệ không gian 3D Meta của ông lớn Facebook. Mình đã từng nghe sếp cũ kể lại dự án “du lịch tại chỗ” hay “du lịch tái hiện” trên không gian Meta. Du khách chỉ cần đeo kính 3D, một trợ lý ảo sẽ xuất hiện và giải đáp bất kỳ thứ gì họ cần theo cách sinh động nhất. Hiện tại hình thức Audio Book cũng được các công ty Du lịch áp dụng.
Điều này có nghĩa là HDV sẽ dễ dàng bị thay thế bởi AI, đồng nghĩa với việc, “chén cơm” của HDV ngày càng… ít cơm hơn chăng?
1.4 Thị trường công việc
Bây giờ đến phần hấp dẫn hơn nhé. Trong phần này, mình sẽ liệt kê ra những phân khúc nhỏ hơn trong nhóm ngành HDV tùy theo khả năng và điều kiện riêng của mỗi người. Có bốn nhóm HDV chủ yếu:
Domestic Tour guide (HDV Nội địa): Là HDV chuyên dẫn du khách Việt Nam tham quan trong nước. Để hành nghề, bạn chỉ cần thẻ nghề màu đỏ là đủ.
Inbound Tour guide: Là HDV quốc tế với đối tượng khách nước ngoài đến Việt Nam tham quan. Bạn cần có yêu cầu khắt khe về ngoại ngữ và thẻ hành nghề màu xanh dương để công tác.
Outbound tour guide: Là HDV với tư cách là trưởng đoàn du lịch đại diện cho nhóm khách Việt Nam tham quan các quốc gia khác (Tour leader). Bạn cũng cần thẻ màu xanh để hành nghề ở nhóm này.
On-site Tour guide: Được hiểu là HDV tại điểm. Là người chỉ làm đúng nhiệm vụ giới thiệu thông tin tại điểm đến, khu di tích lịch sử - văn hoá cho du khách. Họ có biên chế hẳn hoi, nhận lương cố định.
Ngoài ra, thị trường công việc của HDV có thể mở rộng sang ngành tổ chức sự kiện, trở thành một MC hay hoạt náo viên cho chương trình hội nghị, teambuilding, Gala Dinner,...
Đến đây chắc bạn sẽ thắc mắc nhóm HDV nào có nhiều cơ hội và mức thù lao nhất đúng không?
Ngày càng có nhiều người chọn trở thành HDV quốc tế hơn bởi mức lương và chế độ hấp dẫn hơn so với các nhóm còn lại. Nhưng đồng thời, nhóm HDV này cũng đối mặc với rủi ro nhiều hơn các nhóm còn lại: Tai nạn giao thông, chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh, thiên tai,...
Trở thành một HDV quốc tế có thể mang đến nhiều cơ hội cho bạn, nhưng làm một HDV tại điểm cũng có những ưu điểm riêng như: hưởng được mức lương ổn định, an toàn và gần gia đình,... Nói tóm lại, việc trở thành HDV ở nhóm thị trường nào lại tuỳ thuộc vào giá trị cốt lõi, kế hoạch dài hạn mà bạn đang hướng đến.
1.5 Những lợi ích mang lại từ nghề
Song song với mức độ “hardplay” của nghề, những cái “hời” mà nghề mang lại cũng tương xứng.
Đầu tiên phải kể đến phải kể đến việc được xê dịch, khám phá nhiều nơi trên thế giới. Bạn có cơ hội mở rộng tầm mắt và trái tim. Đây là lợi ích không thể cân-đong-đo-đếm được khi chọn trở thành HDV Du lịch. Bạn được kết nối với nhiều mối quan hệ “chất như nước cất”. Mình có nhiều tệp bạn bè mà phần nhiều trong số đó lại là những du khách cũ của mình. Từ một người xa lạ, họ trở thành du khách của mình và giờ đây lại là quý nhân phù trợ mình những khi gặp khó khăn. Nghĩ lại cảm thấy thật biết ơn khi có cơ hội được làm nghề HDV tự do.
Đã làm nghề HDV được, khả năng đều có thể làm bất cứ công việc nào liên quan đến giao tiếp xã hội. Vì thế bạn không sợ trở thành người thất nghiệp nếu chẳng may không còn cơ hội gắn bó với nghề nữa. Bạn có thể làm kinh doanh, buôn bán, tổ chức sự kiện, quản lý, tư vấn viên, hoặc dấn thân vào con đường viết lách lại càng tuyệt vời hơn (Ví dụ như trở thành một travel blogger, xuất bản Travel guide-book, podcast trải nghiệm, nhà sáng tạo nội dung trên youtube hay tiktok,...
Và phần cuối, cũng là phần thực tế và hấp dẫn nhất, bởi “cơm áo thì không đùa với khách thơ”. Đây là nghề có mức thu nhập tương đối hấp dẫn.
Nếu bạn có khả năng đi đủ 300/365 ngày tour trong một năm với mức công tác phí cơ bản từ 4xx.000 vnđ - 6xx.000 vnđ/ngày tour nội địa, trung bình một tháng lương cơ bản sẽ từ 12.xxx.000 - 18.xxx.000 vnđ. Đó là mình chưa liệt kê ra khoản chi phí ăn uống được hỗ trợ khi bạn làm việc trên tour. Nghe có vẻ vẫn chưa đủ hấp dẫn hơn công việc văn phòng đúng không? Đó chỉ là mức lương cơ bản nhất mà mình nêu ra thôi. Thực tế là bạn còn được nhận những phần tiền khác như: Hoa hồng mua sắm của khách hàng, tiền tip cơ bản, tiền thưởng từ đánh giá của khách hàng trên Tripadvisor, chi phí xăng xe, điện thoại hỗ trợ từ công ty,...trong nhiều trường hợp cao hơn cả lương cơ bản trên tour nữa. Chuyện HDV Inbound mùa cao điểm có thu nhập trên 50.000.000/tháng là chuyện bình thường nhé!
Gần như không có một mức lương cố định mà sẽ phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa Người thuê và Người lao động. Sự thỏa thuận này xuất phát từ năng lực của HDV và nhu cầu- tình hình của thị trường du lịch. Dưới đây là tổng hợp về chế độ công tác phí cho một HDV dựa trên đề xuất của mình:
HDV toàn thời gian cho công ty
Đối với các công ty lớn trong ngành như Vietravel, Saigontourist, TNK travel, V.I.P tour,... HDV toàn thời gian chỉ đảm nhận một công việc là dẫn đoàn. Họ chỉ được hưởng mức CTP mà bên thuê đề xuất nhưng lại được cam kết đi toàn thời gian cho những công ty như vậy.
Đối với những công ty nhỏ hơn, HDV sẽ nhận lương cố định theo chế độ của công ty và thêm phần công tác phí (Cho mỗi chuyến tour được chỉ định). Phần CTP này thông thường thấp hơn CTP của HDV tự do. Họ sẽ đảm nhiệm thêm một số vị trí trong công ty (thường là ở vị trí Salesman hoặc Tour Operator)
HDV tự do (như mình)
Vì đây là Series Nghề Tay trái, nên mình sẽ tập trung chia sẻ đến quý độc giả về hình thức HDV tự do.
Thù lao cố định - Công tác phí (CTP)
Một HDV tự do sẽ làm cho nhiều công ty và làm theo thời vụ nên sẽ nhận CTP theo ngày tour.
Ví dụ: CTP cho một tour cơ bản hiện nay là 500.000 vnđ/ ngày chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm du lịch và phí phụ cấp khác nhau như: Cước điện thoại, lưu trú theo đoàn, ăn uống theo tour. Tuỳ theo loại hình tour, lịch trình đưa đón khách, phân khúc khách hàng,... mà bên thuê HDV sẽ phải trả theo mức khác nhau.
Tour cơ bản trong nước: 500.000 -700.000 vnđ/ ngày
Tour leo núi, du lịch mạo hiểm: 700.000 - 1.000.000 vnđ/ ngày
Khách ngoại quốc đòi hỏi sử dụng tiếng Anh sẽ tính theo Đô la Mỹ: Trung bình 30-50 USD/ ngày tour;
Khách đến từ quốc gia không nói tiếng Anh: trên 50 USD/ ngày tour
Khách Việt Nam đi các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... sẽ có mức thù lao cao hơn so với thị trường Nội địa (Domestic); Thị trường các nước khó đi hơn như Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ,... sẽ có mức CTP cao nhất.
Và quan trọng hơn hết, dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm, độ uy tín, mối quan hệ mà bạn hoàn toàn có thể đề xuất với bên thuê mức CTP phù hợp cho mình. Trên đây chỉ là những đề xuất của mình. Thực tế trong ngành còn nhiều khác biệt hơn nữa.
Phần thu nhập đến từ tiền tips (tiền boa) của du khách
Thị trường Outbound sẽ quy định cụ thể là: 5 usd/khách/ngày tour cho toàn bộ đội ngũ HDV và tài xế phục vụ suốt chuyến tour.
Thị trường Inbound và Domestic: Không cố định, dựa trên mức độ hài lòng của khách.
Phần hoa hồng shopping khi khách mua sắm và các gói optional tour như lặn ngắm san hô, trải nghiệm khinh khí cầu, tour by night,... Đây có thể nói là “phần thu nhập nhạy cảm” với nhiều người. Lúc mình mới tập sự, khi được du khách hỏi “vặn” những vấn đề này, mình đã không thể trả lời một cách rành mạch do ngại ngùng. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, ngành du lịch có thực sự duy trì và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế hay không là nhờ vào sức mua sắm của du khách. Trong đó, HDV hay các công ty du lịch chính là một mắt xích “nhỏ nhưng có võ”. Một số quốc gia như Thái Lan thậm chí còn trợ giá cho những gói tour để kích cầu mua sắm ở đất nước họ. Việc này là hoàn toàn chân chính nếu HDV giới thiệu đến du khách những đặc sản chất lượng với mức giá cả hợp lý.
Ngoài ra, bạn cũng nên phân biệt rõ ràng giữa những gói tour “rởm” 0 đồng gây xôn xao dư luận dạo gần đây với những gói tour có chất lượng nhé.
Tóm lại, mình cảm thấy thu nhập của tour guide rất vô chừng. Vào những mùa cao điểm, bạn có thể kiếm đến 50.000.000 vnđ/tháng là chuyện bình thường. Cá biệt còn có HDV thu nhập trên 100.000.000 vnd/ tháng. Và ngược lại, vào những mùa thấp điểm HDV sẽ có chuỗi ngày hoàn toàn rảnh rang để giải trí, trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, hoặc làm những công việc tay trái khác nhau.
Nếu bạn thực sự muốn lấp đi những khoảng trống tour mùa thấp điểm, không cách nào khác là cần…xem tiếp phần mình sẽ trình bày dưới đây, bạn sẽ dần biết cách nào để có thể đi tour quanh năm thôi.
1.6 Ai sẽ là người thuê?
Mình tạm thời chia làm ba dạng theo sự hiểu biết riêng:
Các công ty du lịch lữ hành là những đơn vị chính có nhu cầu thuê HDV.
Các công ty, câu lạc bộ chuyên cung ứng nhân lực cho ngành du lịch
Vietguide Supply của nhóm HDV TP. HCM, nhóm 3V,.... Tuy nhiên, hình thức này vốn đã rất hạn hẹp, nay gần như không còn phát triển trong ngành du lịch nữa bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh.
Du khách thuê trực tiếp
Sau chuyến tour, nếu bạn thực sự ghi điểm trong lòng du khách, họ sẽ giữ số liên lạc của bạn và hỏi thuê trực tiếp bạn cho những chuyến tour tự túc với quy mô nhỏ hơn. Đây là hình thức không chính thống và dễ bị hiểu nhầm thành việc đánh cắp tệp khách của công ty. Mình khuyên bạn phải thực sự thận trọng khi gặp những tình huống này. Tốt nhất là nên khéo léo hướng khách quay về đặt tour trực tiếp tại công ty cũ kèm yêu cầu trợ giá cho khách hàng.
1.7 Công việc cụ thể cần đảm nhiệm là gì?
Sẽ luôn có một bộ quy trình để làm việc với bốn bước cơ bản:
Bước 1: Nhận hồ sơ tour, họp HDV. Bạn tiếp nhận những thông tin cơ bản trong chương trình tour
Lịch trình: Xem qua lịch trình được thiết kế trong tour, nếu lịch trình chưa sắp xếp ổn thoả, bạn có thể đề xuất sắp xếp lại cho phù hợp với cung đường.
Các dịch vụ bao gồm và được đặt sẵn: Khách sạn - nơi lưu trú, nhà hàng, thực đơn của khách, xe đón khách, vé vào cổng tham quan (Có bao gồm và không bao gồm trong tour), code vé máy bay,..
Danh sách hành khách: Kiểm tra thông tin cơ bản của khách. Nếu phương tiện di chuyển trong tour bằng đường hàng không, bạn bắt buộc phải kiểm tra thật kỹ thông tin họ tên của hành khách có sai lệch so với vé may bay hay không, bởi chỉ cần sai một lỗi chính tả nhỏ thôi cũng đủ khiến chuyến tour thất bại.. ê chề; Nếu đó là chuyến tour tham quan nước ngoài, bạn phải tiến hành thêm công việc khai báo nhập cảnh cho hành khách trước ngày khởi hành. Trong danh sách chủ yếu cần xem qua về tuổi tác của hành khách (Gồm bao nhiêu người lớn, bao nhiêu trẻ em,...)
Kiểm tra giấy tờ xác nhận dịch vụ
Ứng tiền từ Công ty để thanh toán cho dịch vụ thứ 3
Bước 2: Gọi điện xác nhận thông tin với khách, trao đổi với tài xế và HDV địa phương (đối với nhóm Outbound), cập nhật thông tin điểm đến, tình hình thời tiết, khí hậu,...kiểm tra lại các dịch vụ một lần nữa,...
Bước 3: Đón khách, thuyết minh, sắp xếp lịch trình thực tế, xử lý sự cố trên xe,...
Bước 4: Sau khi kết thúc tour, HDV tiến hành quyết toán tour, trả lại bộ hồ sơ khách hàng và những vật dụng hỗ trợ quá trình dẫn đoàn (cờ công ty, áo đồng phục,...)
Bước 5: Nhận thù lao. Nhiều công ty sẽ thanh toán luôn cho bạn sau khi quyết toán. Với những công ty có quy mô lớn như Vietravel hay Saigontourist sẽ có quy trình nhận CTP sau 3-5 ngày hoặc lâu hơn nữa.
1.8 Điều kiện cần và đủ để bước vào nghề
Nếu những phần mình vừa chia sẻ trên thực sự hấp dẫn bạn, ngay bây giờ, hãy điểm lại xem bạn có những điều kiện cần và đủ để đến với nghề không nhé!
Điều kiện cần:
Không kể là người hướng nội hay hướng ngoại, muốn theo được nghề, mình thấy cần có bốn yếu tố tiên quyết:
Người yêu thích xê dịch
Nhiều người thường lầm tưởng chỉ cần yếu tố này là đủ, kết quả là hơn ⅔ nhóm sinh viên lớp mình sau này đều nhảy sang ngành khác ngay khi ra trường do không chịu được áp lực nghề; 50% trong số ⅓ còn lại mới là nhóm người cuối cùng theo nghề từ 5 năm trở lên.
Người chịu được các áp lực tâm lý xã hội, đặc biệt là áp lực đứng trước đám đông; áp lực từ việc giải quyết các sự cố trong tour.
Người dám chấp nhận sự rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh.
Người có sức khoẻ tốt (ít nhất là bạn phải chịu được môi trường di chuyển trên xe, trên không trung, sự thay đổi áp suất-khí hậu đột ngột, ăn uống dễ dàng,... trong thời gian dài và liên tục)
Còn lại những yếu tố khác (Điều kiện đủ) như: Kỹ năng giao tiếp, hoạt náo, kết nối, chia sẻ,... đều có thể được cải thiện theo thời gian nếu bạn đáp ứng được 4 tiêu chí trên.
Điều kiện đủ:
Người HDV cần trau dồi kiến thức độc đáo, mới mẻ nhiều hơn
Ngoài thuộc lòng những kiến thức trên sách vở, việc sở hữu hành trang những câu chuyện văn hoá, địa danh được truyền khẩu ngoài đời thật càng làm cho HDV trở nên “đắt giá” trong mắt du khách.
Trau dồi ngoại ngữ
Không bàn cãi thêm tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung. Tuy thế, mình vẫn phải nhìn nhận trình độ ngoại ngữ của HDV hiện tại ở Việt Nam chưa thật tương xứng với những yêu cầu và đòi hỏi của ngành. Trong thời gian sắp tới, những HDV chưa thật sự có khả năng ngoại ngữ ở mức giao tiếp sẽ dễ bị đào thải. Sẽ như thế nào lúc khách gặp sự cố về hộ chiếu tại hải quan còn trưởng đoàn (Tour leader) chỉ có thể bặp bẹ tiếng Anh chữ được chữ mất?
Nâng cao nghiệp vụ xử lý tình huống
Không thể đòi hỏi một HDV mới vào nghề sẽ xử lý tình huống tốt như những cây đại thụ trong ngành, bởi có những vấn đề mang tính nan giải khi bạn giải quyết cách nào cũng có vẻ sai và có vẻ đúng cả. Lúc này chỉ có trực giác của người làm nghề lâu mới biết thế nào là xử lý hợp lý nhất mà thôi.
Tuy nhiên, HDV mới phải đảm bảo được một số nghiệp vụ cơ bản như: quá trình check - in, check - out phòng tại khách sạn, kỹ năng sắp xếp cung đường tour, cách xử lý sự cố khi du khách bị tai nạn, ngộ độc thực phẩm,...
Đa dạng hoá những kỹ năng mềm
Có thêm một kỹ năng như biết đánh đàn, khiêu vũ, ca hát, kể chuyện,.. hay thậm chí là biết ngồi thiền, coi Tarot, thêu thùa, may vá,... đều có thể ghi điểm lớn trong mắt du khách. Đó là thứ làm cho bạn trở nên khác biệt so với một AI khô khan nhé!
Thuyết minh tốt - Viết lách tốt
Thuyết minh tốt là yếu tố quan trọng khi theo ngành HDV, nhưng mình quyết định để thêm kỹ năng Viết lách tốt vào nghề du lịch bởi chính bản thân mình cảm thấy khi viết tốt hơn, mình có xu hướng giao tiếp, trình bày mạch lạc hơn, kể chuyện cũng hấp dẫn hơn bởi chính sự tự tin có được qua quá trình viết lách tự thân.
Có ngoại hình thân thiện và gam màu tính cách rõ rệt
Mình tin rằng, một ngoại hình thân thiện đi với một cá tính rõ rệt của HDV cũng là thứ khiến du khách nhớ mãi. Ngoại hình đẹp không quan trọng bằng sự thân thiện. Cố gắng tập cười mỗi ngày và xác định gam màu tính cách của bạn theo thời gian mới là điều cần thiết.
Thật may mắn nếu bạn đã xác định rõ gam màu tính cách khi giao tiếp hoặc thuyết minh với khách.
Nếu chưa tìm ra cũng không sao cả, bởi hành trình đi tìm gam màu tính cách là cuộc thể nghiệm liên tục qua những lần tiếp xúc với du khách. Đơn cử, bạn có thể chọn cho mình nhiều cách dẫn chuyện khác nhau khi thuyết minh. Làm gì cũng được, nhưng hãy nhớ là luôn thành thật với cá tính của mình trước du khách, chắc chắn bạn sẽ định hình được chính mình và trở nên thu hút trong mắt họ.
Một trong những lối thuyết minh hoặc giao tiếp được cho rằng cá tính chính là sự khôi hài, nhưng nếu bạn không có óc hài hước cũng đừng cố gắng tỏ ra như vậy. Lần tới, bạn có thể thử nghiệm cách dẫn chuyện của một đàn anh/chị HDV đi trước, khi cảm thấy không hợp, hãy chuyển sang một tính cách khác trong quá trình đi tìm gam màu tính cách. Đừng vì quá hâm mộ lối dẫn chuyện hài hước của một người nào đó mà gượng ép mình vào khuôn mẫu của họ rồi đánh mất luôn cả bản sắc của chính bạn nhé.
Mình đã từng cố gắng kể chuyện cười cho du khách nghe theo phong cách mà những HDV đi trước từng làm. Sau nhiều lần, vẫn không hiệu quả, mình quyết định thay đổi. Mình thuyết minh về chủ đề bản thân yêu thích nhất có liên quan đến cung đường (kinh tế, xã hội, văn hoá,...), mình có thể kể trong chiếc cảm xúc của chính bản thân mình và cuối cùng vẫn nhận được tràng pháo tay từ khách. Cố tỏ ra gam màu hài hước chỉ làm bản thân thêm gượng gạo và trở nên lố bịch trước du khách của mình mà thôi. Khi bạn thật sự vui vẻ, chỉ cần nở nụ cười, khách cũng sẽ hạnh phúc theo bạn nè.
Tóm lại, nghề HDV vẫn luôn có một mảnh đất màu mỡ. Nhưng hành trình leo lên mảnh đất đó đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ.
2. Lộ trình phát triển với nghề
Bất kỳ thứ gì cũng cần phát triển theo một trình tự nhất định. Phải chia sẻ chân thành là mình nhận ra sự quý giá của việc đi đúng lộ trình phát triển sau những năm tập chạy, nhảy và bỏ qua việc tập…bò:
Bước 1: Lấy Chứng chỉ hành nghề
Bạn cần tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng, Đại học hoặc hoàn thành các khoá đào tạo HDV có chứng chỉ từ trung tâm đào tạo HDV uy tín như: Trung tâm đào tạo HDV Vietravel, Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn,...
Bước 2: Lấy Thẻ nghề
Sau khi có bằng tốt nghiệp, hoặc chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ tiếng Anh bạn cần làm hồ sơ để nhận thẻ nghề. Thẻ nghề hiện nay được chia thành hai loại:
Thẻ nghề màu đỏ: Là thẻ nghề dành cho hướng dẫn viên nội địa (Domestic tour guide). Với loại thẻ nghề này, trong bộ hồ sơ yêu cầu cấp thẻ, không yêu cầu chứng chỉ Ngoại ngữ.

Thẻ nghề màu xanh: Là thẻ nghề dành cho HDV quốc tế (Inbound, Outbound tour guide). Cần bằng tốt nghiệp chuyên ngành HDVDL hệ Cao đẳng trở lên. Nếu bạn tốt nghiệp từ hệ Cao đẳng chuyên ngành khác, bạn cần thêm chứng chỉ hành nghề HDV DL và chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định trong bộ hồ sơ yêu cầu cấp thẻ.

Bạn có thể truy cập vào trang web của Tổng cục du lịch để tìm hiểu đầy đủ về thủ tục cấp thẻ nghề.
Bước 3: Trở thành Thực tập sinh
Các công ty Du lịch nhận thực tập sinh vào các mùa cao điểm, nếu bạn đủ điều kiện, sẽ được thử đảm đương những chuyến tour dễ trước.
Bước 4: Trở thành HDV chính thức Theo mình bạn nên trở thành HDV Nội địa (Domestic) và Inbound trước khi trở thành HDV Outbound. Thứ tự nên là:
HDV Nội địa (Domestic)
HDV Inbound
HDV Outbound
Bước 5: Trở thành một MC và hoạt náo viên
Bước 6: Điều hành và bán tour
Bước 7: KOL Du lịch
Bước 8: Trainer - Giảng viên
Bước 9: Khởi nghiệp du lịch
(Bước 7, 8, 9 không nhất thiết phải theo thứ tự trước sau)
3. Công cụ hỗ trợ hành nghề
Công cụ hỗ trợ cho nghề
Google map, bản đồ du lịch Google map là công cụ gần như không thể thiếu cho tất cả các chuyến du lịch ngày nay. Mỗi năm Google map đều cải thiện tính chính xác về lộ trình, thậm chí có lúc mình cảm thấy rất yên tâm khi biết được tình hình giao thông trên đường dựa vào ứng dụng này. Bật mí nhỏ có lẽ sẽ cần cho những ai lần đầu nhận tour lạ: Tính năng streetview của Googlemap cho phép chúng ta biết được hơn 50% về không gian của điểm đến. Mình thường sử dụng tính năng này để nghiên cứu bài thuyết trình cho mỗi điểm du lịch. Googlemap cũng có tính năng cho phép người dùng để lại những nhận xét đánh giá khá khách quan các dịch vụ lưu trú, nhà hàng và điểm đến. Các Local guide (một danh hiệu mà Googlemap đặt cho reviewer) sẽ liên tục cập nhật những thông tin mới về điểm đến. Dù vậy, mình cũng nhận thấy rằng chúng ta đang có xu hướng ỷ lại quá nhiều vào công nghệ. Trước khi có Googlemap, những anh chị HDV thường sử dụng bản đồ du lịch giấy loại to. Trên bản đồ này ghi rất rõ những cộc mốc cây số từng đoạn đường, những địa điểm du lịch, di tích lịch sử trên tất cả tỉnh thành Việt Nam. Thậm chí đến nay, mình vẫn hay sử dụng loại bản đồ giấy này vì tính tiện dụng của nó. Việc sử dụng bản đồ giấy kết hợp với nỗ lực ghi nhớ lộ trình thực tế của thế hệ HDV đi trước khiến cho họ có trực giác rất tốt về đường xá.
Ứng dụng quan sát chuyến bay Flightradar24 Ứng dụng này cho phép HDV kiểm tra thời gian bay thực của tất cả các chuyến bay trên thế giới. Bạn sẽ biết được liệu chuyến bay của khách có bị hoãn ngay giờ bay hay do sự cố thời tiết mà máy bay đáp trễ hay không. Điều này giúp bạn chủ động việc thay đổi lịch trình, thời gian sử dụng dịch vụ trong tour cho khách, đồng thời tiết kiệm thời gian chờ đợi của bạn tại sân bay.
Ứng dụng chuyển đổi tiền tệ XE Currency Mình từng bị mất hơn hai triệu đồng do chủ quan đổi tiền giúp khách mà không kiểm tra tỷ giá chênh lệch ngoại tệ vào thời điểm đổi tiền. Hiện nay tỷ giá tiền tệ của các quốc gia gần như thay đổi mỗi ngày. Sử dụng ứng dụng quy đổi tiền tệ giúp bạn cập nhật được mệnh giá các loại tiền liên tục. Bạn cũng có thể dễ dàng tính ra tỷ giá giữa mua vào và bán ra ngoại tệ từ khách.
Các buổi hội thảo chuyên đề du lịch từ các công ty du lịch, các giảng viên từ các trường du lịch
Trung Tâm Anh Ngữ Du lịch TSES, Trường Trung Cấp Nghề Viettravel
Những nhân vật đã truyền cảm hứng đến mình trong ngành
Thạc Sĩ Nguyễn Cưng - Tác giả sách Tiếng Anh Cho Tôi Cơ Hội Nhìn Ra Thế Giới đã xuất bản trên 10.000 quyển, người sáng lập Trung tâm Anh ngữ Du lịch TSES đầu tiên tại Việt Nam và là CEO của công ty Du lịch Hành hương CungGO.Vn
Lâm Thị Thuý Hà - Co- founder của Triipme và Happyfirm
Nguyễn Trần Hoàng Phương - CEO của Golden Smile Travel
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín - Giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhà nghiên cứu văn hoá, nhà báo,...
MC Ngọc Thơ - Quốc Trí - Top 5 Én Vàng, KOL Du lịch, nhà sáng tạo nội dung Tiktok
Lời kết
Năm 2014, trong một lần đưa khách ra hải đăng Kê Gà (Bình Thuận) bằng cano chuyên dụng, bác tài công đoàn mình chợt mất tay lái, chỉ còn cách mõm đá phía trước hơn 20m nữa thôi thì cả đoàn sẽ đâm sầm xuống biển. Trong khoảnh khắc đó, mình nhận ra sự quý giá của việc được sống.
Mình tự hỏi, liệu có đáng không khi chấp nhận làm lơ đi những bất trắc từ nghề này mà tiếp tục gắn bó với nó đến tận 10 năm?
Có chứ! Nghề HDV có thể không phải là nghề có mức thu nhập cao nhất, nhưng lại là nghề cho mình nhiều kinh nghiệm sống nhất khi có cơ hội trải qua thật nhiều nền văn hoá, địa danh khác với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Giá trị nghề HDV có thể mang lại cho mình những tư trang mà sau này, khi không còn gắn bó với nghề, nó vẫn tiếp tục hữu dụng cho cuộc đời mình.
Sau tất cả những gì mình chia sẻ, bạn hãy lắng lòng, xem thử bản thân có thực sự muốn trở thành HDV không? Bởi rất nhiều bạn bè của mình vì chạy theo bức tranh “quá hồng” của nghề mà bỏ nghề.
Ngay bây giờ, bạn hãy kiểm tra lại các điều kiện cần và đủ cũng như cân đo những thách thức mà mình đã đề cập. Nếu thấy mình hoàn toàn phù hợp, hãy dấn thân thôi nào! Nhiều chân trời mới đang chờ đợi bạn chinh phục phía trước!
Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Jordan Phạm và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.

Tác giả Jordan Phạm
Mình là Jordan Phạm - một tour guide toàn thời gian với 10 năm kinh nghiệm ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, một người kinh doanh du lịch và đang trên con đường trở thành KOL du lịch. Bạn có thể tìm mình qua: Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/phamle.thuc
Blog : jordanrongchoi.com (đang xây dựng)
Hoặc gửi email cho mình về địa chỉ: jordanphamtourguide@gmail.com nếu có bất kỳ thắc mắc nào về ngành.