Trong bộ phim Hàn Quốc “Thư ký Kim làm sao thế”, bạn sẽ luôn nhìn thấy hình ảnh một cô gái trẻ chạy lăng xăng mỗi ngày với hàng tá công việc lớn nhỏ. Từ quản lý dự án, lên lịch làm việc, họp hành, cho đến thắt cà vạt, mua hoa tặng người quen,... Nhưng khoan đã! Hãy thử gắn bộ phim này vào bối cảnh giữa năm 2021, khi Sài Gòn - Hà Nội lockdown nghiêm ngặt. Ngay lúc này, bạn có thể tạm quên cô thư ký Kim bận rộn kia đi, và bắt đầu tiếp cận công việc trợ lý bằng một cách thức hoàn toàn mới: Làm việc online ngay tại nhà, chỉ với 1 - 2h mỗi ngày. Đó chính là tính chất của nghề trợ lý từ xa - Virtual Assistant (viết tắt là VA).
Nếu bạn đang muốn tìm một nghề tay trái để nâng cao thu nhập, một công việc linh hoạt thời gian, không gian, hãy dành một ít phút để đọc tiếp. Có thể, bạn sẽ trở thành trợ lý từ xa một cách dễ dàng chỉ sau bài viết này.
1. Nghề trợ lý từ xa ra đời như thế nào?
Vào những năm 1990, khi Internet bắt đầu phát triển rộng rãi, các doanh nghiệp nhận thấy họ không cần một nhân viên văn phòng toàn thời gian để xử lý công việc. Chỉ với điện thoại thông minh, máy tính, một trợ lý đã có thể giải quyết vấn đề ở bất kì đâu. Do đó, nghề trợ lý cá nhân từ xa chính thức ra đời.

Ảnh: Unsplash
Với tính chất công việc linh hoạt, trợ lý từ xa dần trở nên phổ biến trong một thập kỷ qua. Nhất là trong 2 năm trở lại đây, khi Covid xuất hiện, mọi công việc đều chuyển lên online, nghề trợ lý cá nhân từ xa thực sự bùng nổ. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần nhân sự ngoài luồng nhằm hỗ trợ những công việc nhỏ. Nhờ đó, họ có thể tiết kiệm thời gian cũng như chi phí văn phòng, tập trung vào những việc mang tính chiến lược.
2. Trợ lý từ xa là gì và kiếm được bao nhiêu?
Trợ lý cá nhân từ xa có tên tiếng anh là Virtual Assitant, viết tắt là VA. Là một nhân viên độc lập hỗ trợ các công việc hành chính, phát triển kinh doanh, truyền thông xã hội, tiếp thị hoặc các nhiệm vụ khác cho các cá nhân/doanh nghiệp.
Giống như tên gọi, trợ lý làm việc từ xa, văn phòng của họ thường là ngay tại nhà. Dù không có mặt trực tiếp trên công ty, nhưng trợ lý từ xa là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong bộ máy vận hành của doanh nghiệp.
Tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng đang có, một trợ lý từ xa có thể nhận được mức thù lao từ 10$ - 60$ cho một giờ làm việc. Tuy nhiên, tìm kiếm khách hàng cũng là một thách thức. Ở thời điểm ban đầu, bạn có thể trở thành trợ lý tự do bán thời gian. Sau đó, nếu thu nhập ổn định và có định hướng phát triển dịch vụ trợ lý từ xa chuyên nghiệp, bạn có thể biến nghề nghiệp thành sự nghiệp lâu dài.
3. 3 lợi ích khi trở thành trợ lý từ xa
Có một cuộc sống tự do, được làm công việc mình yêu thích, và kiếm được nhiều tiền là mơ ước của rất nhiều người. Nghề trợ lý từ xa có thể giúp bạn linh hoạt thời gian, không gian, thậm chí làm chủ sự nghiệp của chính mình.
Thời gian
Có bao giờ bạn thử tính xem mình đã dành bao nhiêu thời gian trong ngày để di chuyển? Cứ cho là, mỗi ngày chúng ta mất 1 giờ cho quãng đường đi làm. Mỗi tuần bạn sẽ mất khoảng 5 giờ, một tháng là 20 giờ, và một năm là 240 giờ. Quy đổi lại, thời gian di chuyển của bạn đã mất đến 10 ngày. Bạn có muốn sử dụng 10 ngày này một cách hiệu quả hơn? Trợ lý từ xa là một giải pháp giúp tối ưu thời gian triệt để. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng quãng thời gian này để nâng cấp bản thân bằng cách học thêm một điều mới, đọc thêm vài trang sách, tập Yoga để rèn luyện sức khỏe.
Không gian
Trợ lý từ xa giúp bạn làm việc tại nhà, tại quán cafe hay bất cứ đâu bạn thích. Thậm chí, bạn có thể vừa đi du lịch, vừa dành ra 1 giờ trong ngày để xử lý công việc. Điều này đặc biệt thích hợp với những người yêu thích tự do, và cả các bà mẹ bỉm sữa ngồi tại nhà. Khi phải dành thời gian 24/7 cho con, làm trợ lý sẽ giúp các mẹ tận dụng những lúc con ngủ để "mua sữa cho con" và làm việc để không bị "lụt nghề".
Làm chủ
Ai cũng thích làm chủ, nhưng không phải ai cũng có thể. Với nhiều người, chuỗi sự kiện đi học, ra trường, đi làm, lập gia đình, sinh con, và chết đi là một vòng lặp hiển nhiên không thể phá vỡ. Trong chuyện công việc, nhiều người mặc định làm ở công ty nào đó, có danh tiếng, có lương bổng cao ngất mới là thành công. Vì thế, những công việc tự do xuất hiện thường được gắn với tính chất "bấp bênh". Nhưng đằng sau đó, công việc tự do có thể nghiễm nhiên trở thành con át chủ bài, là bệ phóng giúp bạn bước vào con đường xây dựng sự nghiệp của mình một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Với trợ lý từ xa, bạn hoàn toàn có thể xem đây là một business của riêng mình, bắt đầu với mức vốn 0 đồng, tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc để mở công ty và cung cấp dịch vụ trợ lý. Nếu không muốn đi theo con đường này, bạn có thể làm trợ lý tự do để dành thời gian tập trung cho định hướng sự nghiệp của riêng mình.
4. Liệu bạn có phù hợp với nghề trợ lý từ xa?
Sinh viên cần làm thêm để kiếm tiền và nâng cấp kĩ năng. Nhân viên văn phòng muốn nâng cao thu nhập sau 8 tiếng làm việc. Những bà mẹ bỉm sữa muốn cân đối giữa thời gian dành cho gia đình và công việc. Trợ lý từ xa là công việc dành cho hầu hết tất cả mọi người.
Hẳn bạn sẽ trầm trồ khi nghe qua hai chữ trợ lý. Nhưng sự thật là, đây là công việc không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm ở thời điểm khởi đầu. Điều khiến bạn phải trầm trồ chính là con người bạn trở thành sau một thời gian làm việc. Vì thế, hãy bắt đầu con đường trợ lý từ xa bằng niềm tin và bước tiếp với sự tự tin đích thực. Chắc chắn bạn sẽ học được rất nhiều từ kĩ năng, tư duy, phong cách sống của doanh nhân, quy trình vận hành của cả một doanh nghiệp
5. 6 dịch vụ trợ lý từ xa thường cung cấp
Một trợ lý từ xa có thể đảm nhiệm rất nhiều công việc, danh sách việc cụ thể có thể lên đến hàng trăm. Tuy nhiên, chúng ta có thể tóm gọn lại trong các lĩnh vực chính sau:
1. Trợ lý truyền thông xã hội
Nếu bạn yêu thích việc quản lý và sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội (facebook, tiktok, instagram,...) ngách công việc này có thể phù hợp với bạn. Công việc của bạn là quản lý các vấn đề xoay quanh mỗi nền tảng, đăng tải nội dung, quản lý bình luận, tin nhắn theo từng giai đoạn.
2. Trợ lý nội dung Blog/Website
Nếu bạn yêu thích viết, muốn phát triển một blog thành công và kiếm tiền từ nó, hãy tìm kiếm cơ hội để trở thành trợ lý nội dung cho các Blogger. Đây là con đường ngắn nhất để bạn theo dõi và hiểu rõ cách các Blogger thành công điều hành blog của họ. Dưới đây là một số công việc một trợ lý Blogger có thể làm:
Chỉnh sửa và đăng bài trên blog
Kiểm duyệt bình luận trên blog
Cải thiện SEO cho blog
Quản lý email người đọc
Lên lịch các bài viết từ blog sang mạng xã hội
Loại bỏ các liên kết bị hỏng, thêm các liên kết mới
3. Trợ lý trang thương mại điện tử
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở hiện tại, việc điều hành một lúc nhiều trang thương mại điện tử rõ ràng là khá khó khăn. Người chủ doanh nghiệp luôn có một danh sách công việc dài vô tận cần hoàn tất mỗi ngày. Vì thế, họ cần một trợ lý thượng mại điện tử từ xa hỗ trợ giải quyết các vấn đề như:
Quản lý dịch vụ khách hàng
Theo dõi đơn hàng (nhập đơn hàng, đặt hàng, giao hàng)
Giải quyết việc trao đổi/trả lại hàng hóa
Quản lý tồn kho
Hỗ trợ các vấn đề tiếp thị
Bảo trì trang web
4. Trợ lý quản trị
Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm trợ lý văn phòng trước đó, đây là ngách công việc lợi thế dành cho bạn trong vai trò từ xa. Mặc dù trợ lý quản trị không phải là người trực tiếp tạo ra doanh thu. lợi nhuận cao nhất, nhưng việc hỗ trợ quản trị là rất quan trọng với các doanh nghiệp. Một số công việc trợ lý quản trị có thể làm gồm:
Quản lý lịch và lịch biểu
Đặt lịch hẹn
Sắp xếp việc đi lại
Quản lý dữ liệu
Thiết lập tài liệu, bảng biểu
Các công việc khác của một trợ lý văn phòng trực tiếp
5. Trợ lý sản xuất nội dung
Nếu bạn thích sản xuất nội dung, hình ảnh, hoặc chỉnh sửa video, hãy lựa chọn trở trợ lý với tư cách là người sáng tạo nội dung. Công việc này khá giống với trợ lý truyền thông xã hội. Tuy nhiên, trợ lý nội dung không tập trung quá nhiều vào việc quản trị, vận hành các kênh mà ưu tiên đầu tư sáng tạo nội dung là chính. Mấu chốt là bạn cần tạo ra những nội dung thực sự chất lượng. Các công việc một trợ lý sản xuất nội dung có thể đảm nhiệm gồm:
Viết bài đăng trên blog
Nghiên cứu ý tưởng nội dung
Tạo đồ họa
Chụp ảnh sản phẩm
Chỉnh sửa hình ảnh
Làm video
6. Trợ lý tài chính
Nếu đã có kinh nghiệm tài chính kế toán từ trước, đây sẽ là lợi thế để các kế toán viên, nhân viên ngân hàng dễ dàng trở thành trợ lý từ xa và nâng cao thu nhập. Các dịch vụ bạn có thể cung cấp gồm:
Tạo hóa đơn
Xử lý thanh toán
Lương bổng nhân viên
7. Tôi cần gì để trở thành một trợ lý từ xa?
Tin vui là bạn không cần phải có bằng cấp nhất định mới trở thành trợ lý từ xa. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng những kỹ năng sẵn có để làm việc ngay. Sau đó, tiếp tục nâng cấp trong thời gian làm việc với khách hàng.
Dựa trên 6 ngách dịch vụ đã liệt kê ở trên, hãy xem xét để lựa chọn ngách trợ lý phù hợp. Ví dụ nếu yêu thích mạng xã hội, am hiểu cách thức hoạt động của các nền tảng facebook, instagram, tiktok, bạn có thể ngay lập tức trở thành trợ lý Social Media cho khách hàng. Sau đó, bạn có thể vừa làm việc, vừa học thêm để nâng cấp kỹ năng, tối ưu hiệu suất.

Ảnh: Unsplash
Về cơ bản, để đủ điều kiện trở thành trợ lý từ xa, bạn cần có phẩm chất cẩn thận, tỉ mỉ. Về kỹ năng, bạn cần phải thành thạo các thao tác văn phòng, excel, word, google docs, lên lịch biểu, sử dụng phần mềm Zoom (một công cụ phổ biến gần đây). Và tùy thuộc vào dịch vụ cung cấp, bạn sẽ cần phải am hiểu về nền tảng facebook, Instagram khi làm trợ lý Social Media, am hiểu về SEO khi làm trợ lý Blog.
Trên đây là 7 thông tin cơ bản để bạn có cái nhìn tổng quát về nghề. Nếu bạn đang tìm kiếm một nghề tay trái nhằm nâng cao thu nhập, làm việc linh hoạt, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn để trở thành một trợ lý từ xa thực thụ.
Bài đăng nằm trong chuỗi chia sẻ về nghề Trợ lý từ xa - Virtual Assistant. Để tìm hiểu thông tin chi tiết cùng những kinh nghiệm thực tế, bạn có thể:
- Nghe chia sẻ về nghề Trợ lý từ xa - Virtual Assistant 101 để hiểu đúng, làm đúng.
- Tham gia chuỗi huấn luyện 1:1 để trở thành trợ lý từ xa chuyên nghiệp cùng Mây Nguyễn. Bạn cũng có thể nghe chia sẻ thực tế về nghề của Mây tại bài viết này.
Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Nguyễn Thiên Ý và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.