Nghề Biên tập viên tự do - món lẩu đặc biệt với đầy đủ hương vị chua cay mặn ngọt
Nếu nghề Biên tập viên tự do có thể cho bạn:
Tự do chọn khách hàng, chọn khung giờ làm việc
Tự do chọn vị trí làm việc: tại nhà, tại quán cafe, hay bất kỳ chỗ nào bạn thích
Tự do chọn cách thể hiện bản thân. mặc những bộ trang phục thoải mái nhất
Có cơ hội tiếp cận với các đầu sách sớm nhất, được đọc sách miễn phí, được đóng góp ý kiến để xây dựng những sản phẩm tri thức hoàn hảo
Có cơ hội làm quen với những người có tài, có tâm, có tiếng, có nhiều thành công trong cuộc sống và sự nghiệp
…liệu bạn có muốn ứng tuyển ngay?
Những quyền lợi kể trên nghe có vẻ hấp dẫn đấy. Nhưng mình chỉ vừa kể cho bạn một nửa sự thật thôi. Nửa sự thật còn lại nằm trong bài viết dưới đây, đó là những trách nhiệm và công việc cụ thể mà bạn phải làm để hưởng được những quyền lợi trên.
Bạn sẵn sàng chứ? Giờ thì, mời bạn đóng vai một biên tập viên tự do và khám phá thế giới rộng mở của nghề này nhé.
1. Tổng quan về nghề biên tập viên tự do
1.1 Định nghĩa
Khi nhắc đến cụm từ “biên tập viên”, có lẽ nhiều người sẽ hình dung một nhân vật chuyên nghiệp, trang phục thanh lịch, chỉnh tề với giọng nói truyền cảm đang xuất hiện trong một chương trình thời sự trên ti-vi. Đó là hình ảnh của một biên tập viên truyền hình, người sẽ truyền tải những thông tin mới nhất của cuộc sống thông qua chiếc máy vô tuyến bằng lời nói.
Tuy vậy, bài viết này không đề cập đến nghề biên tập viên truyền hình, mà phác họa bức tranh tổng quát về một lĩnh vực biên tập viên khác. Đó là những người đứng sau một bài báo, một website, một quyển sách hay bất kỳ sản phẩm sáng tạo nào khác. Họ là người đọc bản thảo sách hay bài viết của tác giả một cách kỹ càng, đề xuất điều chỉnh cấu trúc, bố cục cho phù hợp, rà soát nội dung và hình thức cho chính xác, đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi bản thảo hay bài viết được xuất bản. Thêm vào đó, họ làm việc độc lập, không trực thuộc bất kỳ một cơ quan, doanh nghiệp nào. Họ được gọi là biên tập viên tự do.
Có thể nói, bất cứ một hoạt động sáng tạo con chữ nào cũng cần có biên tập viên. Trong thời đại làm việc tự do lên ngôi như ngày nay, nghề biên tập viên tự do ngày càng được yêu thích và trở thành lựa chọn thích hợp dành cho những cây viết, những bạn trẻ đam mê làm việc với con chữ.
1.2 Thị trường công việc
Freelancers - những người làm việc tự do - không còn là một thuật ngữ xa lạ trên thị trường lao động trí thức ngày nay. Nếu năm 2019, trang vLance.vn có gần 80.000 freelancer đang hoạt động với nhiều chuyên môn khác nhau (IT, lập trình, thiết kế, đồ họa, biên tập, viết lách,...), thì đến nay, con số này đã tăng lên đến 1.181.488 người, tăng 13,77% chỉ trong vòng ba năm.
Không chỉ dừng lại ở việc viết nội dung thương mại, hay trên các nền tảng xã hội, biên tập viên tự do đang dần được mở rộng và trở thành một nghề “hot” trong giới làm việc tự do. Các nhà xuất bản, công ty phát hành sách hoặc những người làm sáng tạo đang có xu hướng thuê biên tập viên tự do để hoàn thành các đầu việc có liên quan đến xuất bản một quyển sách hay một sản phẩm nào đó.
Khi nghiên cứu về sự quan tâm hoặc tiềm năng liên quan tới nghề biên tập viên tự do, Google trả về những con số ấn tượng như sau:
Với từ khóa “nghề biên tập viên sách tự do”: 28.600.000 kết quả.
Với từ khóa “biên tập viên sách tự do”: 72,000,000 kết quả
Với từ khóa “biên tập viên sách”: 86,300,000 kết quả
Với từ khóa “biên tập viên tự do”: 106,000,000 kết quả
Trong đó, đa phần các kết quả trả về là những tin đăng tuyển dụng. Xu hướng tìm kiếm công việc và nhân sự liên quan đến biên tập tự do ngày càng tăng. Những con số trên cho thấy thị trường biên tập tự do sở hữu một tiềm năng phát triển lớn và rộng mở.
1.3 Biên tập viên tự do sẽ làm những công việc gì? Cho ai?
Biên tập viên tự do không chỉ làm việc gói gọn trong lĩnh vực xuất bản sách. Có nhiều lĩnh vực để một biên tập viên tự do lựa chọn theo đuổi và phát triển sự nghiệp: biên tập viên sách, biên tập viên báo chí, biên tập viên blog, Marketing, PR và thậm chí là giáo dục. Trong mỗi lĩnh vực, bạn cũng có thể chuyên tâm theo đuổi một ngách nội dung cụ thể.
Bạn có thể chọn trở thành một biên tập viên báo chí, thường xuyên cập nhật xu hướng hoặc tình hình xã hội, đề xuất chỉnh sửa các bài viết cho phù hợp với hãng báo chí hoặc toàn soạn mà bạn cộng tác. Đây được xem là một trong những lĩnh vực phổ biến được giới biên tập viên tự do theo đuổi.
Bạn cũng có thể đi theo hướng chuyên biên tập các bài viết trên blog hay mạng xã hội của khách hàng, để hỗ trợ khách trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Những người có tiếng tăm, được theo dõi nhiều bởi cộng đồng mạng sẽ cần một (hoặc vài) biên tập viên bên cạnh để đảm bảo hình ảnh của họ trong mắt công chúng là hoàn thiện nhất.
Bạn cũng hoàn toàn có thể chỉ thiên về biên tập sách giáo khoa hay các tài liệu học thuật đòi hỏi chuyên môn cao. Ở ngách nội dung này, người thuê bạn thường sẽ là các nhà xuất bản truyền thống, đơn vị làm sách liên quan tới giáo dục, hay những nghiên cứu sinh đang hoàn thành các đề án bảo vệ của họ.
Và một con đường khác mà mình rất yêu thích, chính là chọn tập trung vào việc hoàn thiện các bản thảo truyện, sách một cách tốt nhất để tung ra thị trường. Bạn sẽ làm việc với các nhà xuất bản, nhà phát hành, đơn vị làm sách, hay chính tác giả viết nên bản thảo đó.
Như vậy, với phạm vi rộng mở trong các lĩnh vực, nghề biên tập viên tự do là con đường thênh thang dành cho mọi người. Dù bạn là một sinh viên vừa ra trường, hay một người đang chuẩn bị nghỉ hưu, chỉ cần bạn đủ nhiệt thành để dấn thân, đủ động lực để theo đuổi và đủ kiến thức để làm việc một cách hiệu quả, dễ dàng nhất, bạn hoàn toàn có thể chinh phục con đường này.

Trong phạm vi nội dung này trở về sau, mình chỉ đề cập đến công việc của một biên tập viên sách tự do - lĩnh vực mà mình đang theo đuổi và có nhiều trải nghiệm nhất.
Trên thế giới, biên tập viên sách được chia làm ba nhóm chính:
Biên tập viên phát triển: Là người được phép can thiệp vào cấu trúc, ý tưởng chính của bản thảo, bài viết, để những sản phẩm sáng tạo này có thể tiếp cận được nhiều độc giả nhất, đánh trúng tâm lý và giải quyết được vấn đề của độc giả và khiến cho quyển sách được bán chạy nhất có thể.
Biên tập viên chỉnh sửa: Sau khi ý tưởng và bố cục của bản thảo/bài viết được thống nhất, biên tập viên chỉnh sửa sẽ là người đọc kỹ tác phẩm, đảm bảo sự thống nhất giọng văn, phong cách, diễn đạt của toàn bản thảo.
Hiệu đính: Là người đọc lại bản thảo/bài viết thật kỹ lưỡng, rà soát các lỗi sai còn sót lại, liên quan đến chính tả, dấu câu, cách trình bày, thông tin trích dẫn… Mọi thứ từ nhỏ nhất được người này kiểm tra và đề xuất chỉnh sửa, sao cho bản thảo trở nên chỉn chu, dễ hiểu và mang lại nhiều giá trị nhất cho độc giả. Đây là một công đoạn cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác và kỹ càng. Vì thế, biên tập hiệu đính thường sẽ là người có chuyên môn đối với đề tài của bản thảo và được thuê ngoài.
Riêng đối với ngành xuất bản ở Việt Nam, biên tập viên sách tự do được chia làm hai nhóm, theo loại sách mà họ làm việc: biên tập viên sách tiếng Việt và biên tập viên sách ngoại văn. Công việc đánh giá nội dung bản thảo của biên tập viên (cả sách tiếng Việt lẫn ngoại văn) sẽ đi theo quy trình cố định: phát triển, thẩm định bản thảo; biên tập, chỉnh sửa và đối chiếu (nếu là sách ngoại văn)
Ở giai đoạn phát triển, biên tập viên sẽ nhìn tổng quan bức tranh nội dung chính trong bản thảo: Sách bạn viết thuộc thể loại nào? Thực chiến hay selfhelp? Tông giọng có phù hợp không? Cấu trúc đã ổn chưa? Hệ thống nhân vật như thế nào? Cách trình bày tổng quan ra sao? Có đáp ứng được nhu cầu của thị trường? Có mang đến giá trị gì cho người đọc hay không?… Biên tập viên sẽ trao đổi trực tiếp với tác giả để điều chỉnh nếu cần thiết ở bước này.
Đến giai đoạn thẩm định bản thảo, biên tập viên sẽ trực tiếp đọc từng trang nội dung, tỉ mỉ và chi tiết hơn bước đầu, sau đó biên tập, chỉnh sửa cho phù hợp. Nếu bản thảo của bạn cần cắt chữ, hay bổ sung thêm nội dung chi tiết, câu văn của bạn lủng củng, ý diễn đạt lan man, các kỹ thuật sử dụng không chính xác, dễ gây ra nhầm lẫn cho độc giả,… biên tập viên sẽ là người góp ý và điều chỉnh.
Bạn có thể được thuê bởi các đơn vị làm sách, nhà xuất bản hay nhà phát hành khi họ cần nhân lực hỗ trợ công việc mà không phải ràng buộc về các thủ tục pháp lý, hành chính khác trong công ty. Ngoài ra, tác giả cũng có thể là người trực tiếp thuê và làm việc với biên tập viên tự do khi họ muốn tự xuất bản quyển sách của riêng mình.
Như vậy, tùy theo năng lực và sở thích của mỗi người, một biên tập viên tự do sẽ chọn đi trên con đường sách, báo chí, blog, hay bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào. Đối với riêng biên tập viên sách, bạn cũng có thể quyết định chọn mảng phát triển ý tưởng hay cấu trúc bản thảo để làm việc, chọn các phương án chỉnh sửa bản thảo để theo đuổi, chọn trở thành một người làm việc hiệu đính hay cũng có thể chọn cách cung cấp dịch vụ bao gồm cả ba mảng trên.
1.4 Thù lao ra sao
Một biên tập viên tự do vẫn có thể sống tốt nếu nâng cấp dịch vụ và thương hiệu của mình vững vàng. Tiền - chính là một thứ thù lao hữu hình, thúc đẩy động lực sâu hơn bên trong bạn. Bạn phải đủ sức để lo cho mình, không bận tâm đến những vấn đề kinh tế, thì mới có thể tập trung vào làm việc, khiến công việc của bạn ngày càng thăng tiến, từ đó, tiền lại tự động chạy theo bạn.
Có nhiều cách để một biên tập viên tự do định giá dịch vụ của mình: dựa trên dự án, thời gian hay số lượng từ mà họ phải làm việc,...
EFA - Hội những biên tập viên tự do (Editor Freelancer Association) - thường xuyên khảo sát các thành viên để trả lời câu hỏi bất hủ: Thù lao bao nhiêu là hợp lý?

Mức phí thông thường dành cho các công việc biên tập tự do không cố định, thường sẽ dao động từ $61 - $70/giờ (tương đương 1.400.000 - 1.600.000 VND/giờ) cho việc tư vấn, gợi ý, đề xuất bố cục hợp lý, cho đến $30 - $45/giờ (690.000 - 1.100.000 VND/giờ) cho hiệu đính.
Khảo sát EFA là tiêu chuẩn định giá bạn có thể tham khảo, nhưng đó không phải là mức giá cố định duy nhất. Trước khi tạo nên một bảng phí dịch vụ biên tập cho riêng mình, bạn có thể tham khảo từ các biên tập viên tự do khác để đa dạng hóa các phương thức tính phí.
Đây là các cách tính phí bạn có thể tham khảo:
Tính phí cho mỗi từ
Tiêu chuẩn dành cho biên tập tự do là tính phí trên mỗi từ. Khi khách hàng yêu cầu bạn biên tập 7500 từ cho chương sách phi hư cấu — chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả, ngữ pháp — bạn sẽ ước tính thời gian bạn cần để hoàn thành, từ đó tính phí cho mỗi từ cũng như toàn bộ dự án.
Ví dụ, đối với các bản thảo hư cấu, phí biên tập dành cho mỗi từ là $0,02 - $0,029 (tương đương khoảng 460 - 667 VND/từ). Như vậy, với chương sách với 7500 từ, bạn có thể định mức giá là 5.000.000 VND. Con số này có thể chênh lệch một chút, tùy vào mối quan hệ và mục tiêu của bạn khi làm việc với từng khách.
Tính phí mỗi giờ
Lấy một ví dụ trực tiếp để bạn hiểu rõ hơn về cách tính này. Bạn có thể biên tập khoảng 2.100 - 3.000 trong một giờ đối với các bản thảo mà tác giả viết chắc tay, dễ hiểu. Vậy bạn sẽ mất khoảng 3 - 4 giờ để hoàn thành chương sách 7.500 từ trên. Nếu mỗi giờ của bạn được định giá là 500.000 VND, vậy sau khi hoàn thành chương này, mình sẽ có khoảng 1.500.000 - 2.000.000 VND. Đương nhiên, khi đã quen tay biên tập và nắm được những nội dung biên tập cốt lõi, bạn sẽ tăng năng suất lên và kiếm được mức thu nhập cao hơn.
Tính phí theo mỗi dự án
Phổ biến nhất trong thế giới những người làm việc tự do chính là cách tính phí theo mỗi dự án hay một phần trong dự án. Bạn xem xét phạm vi công việc và ước tính xem bạn sẽ mất bao lâu và đưa ra mức giá mà bạn cho là hợp lý.
Tuy nhiên, phương pháp tính theo dự án thường phù hợp với những biên tập viên tự do có nhiều kinh nghiệm. Họ thường phán đoán được bản thảo/dự án đó có tính chất như thế nào, ước lượng mất bao lâu để hoàn thành nó và đặt ra những sai số phù hợp để đảm bảo rằng công việc họ làm không bị đánh giá quá thấp.
Dựa trên dữ liệu năm 2022 từ thị trường của Reedsy, thù lao mà biên tập viên tự do có thể kiếm được trung bình khoảng $0,015 đến $0,028 cho mỗi từ, tùy thuộc vào loại hình biên tập và thể loại của bài viết. Hầu hết các biên tập viên đều tính phí cho mỗi từ, vì giá theo giờ không tính đến việc bạn càng có nhiều kỹ năng thì bạn càng có thể hoàn thành công việc nhanh hơn.
Đương nhiên, sẽ có sự khác biệt về thù lao giữa những biên tập viên lâu năm và những người trẻ mới vào nghề. Công việc của một biên tập viên tự do tuy đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ cao, nhưng giá trị bạn mang lại đôi khi không thể tính bằng tiền bạc. Đối với mình, thù lao nhận được từ nghề này bao gồm những thứ hữu hình và những giá trị vô hình.
Hãy thử tưởng tượng, một quyển sách vừa được phát hành trên thị trường có sự đóng góp của bạn. Cuốn sách đó có thể thay đổi một quan niệm của cộng đồng, đưa ra một góc nhìn mới về cuộc sống, hay đơn giản là cung cấp thêm thông tin nào đó cho độc giả, giúp mọi người sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Là một phần của nó, có phải là bạn hạnh phúc không? Câu trả lời của mình dành cho câu hỏi này là: Đúng, mình rất hạnh phúc khi được như thế!
Đó chính là động lực khiến mình theo đuổi con đường biên tập tự do dài hạn. Thậm chí, mình đã vẽ ra một tương lai sau khi kết thúc công việc full time và toàn lực tập trung vào nghề tay trái này. Không phải vì nó mang lại một số tiền lớn để trở nên “giàu có” về vật chất, mà là những giá trị không thể thay thế được - cơ hội đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam. Đó là một loại thù lao vô hình, có sức nặng đặc biệt trong quá trình làm việc và hoàn thành sứ mệnh của mình.
1.5 05 lợi ích bạn có thể nhận được khi trở thành một biên tập viên tự do
Thỏa mãn đam mê cá nhân
Trước hết, trở thành biên tập viên tự do là một lựa chọn nghiêm túc của bạn, cũng như của mình. Làm một công việc mình yêu thích và luôn hứng thú với nó sẽ giúp bạn cảm thấy bản thân có giá trị, dồi dào động lực để theo đuổi đến cùng. Khi đó, bạn sẽ thể hiện được tinh thần trách nhiệm với bản thân, với những gì mình đã và đang làm một cách rõ ràng. Và tin mình đi, khi tinh thần trách nhiệm thỏa mãn được những cái tôi vời vợi bên trong mỗi người, bạn sẽ cảm thấy đó là một món quà mà cuộc đời và chính bạn dành tặng cho bản thân.
Mở mang kiến thức thông qua việc đọc sách miễn phí
Mỗi khi hoàn thành xong một bản thảo nào đó, mình cảm thấy được mở mang rất nhiều. Không chỉ là kiến thức ngôn ngữ, việc được tiếp cận những thông tin trong bản thảo/bài viết sớm nhất khiến mình cảm thấy bản thân học hỏi được nhiều điều và tiến xa hơn một chút. Những bài học đằng sau thành tựu vẻ vang của tác giả lại quay về trở thành một nguồn độc lực để mình tiếp tục cố gắng và làm việc bằng sự nhiệt thành cao độ.
Hãy tưởng tượng bạn đang đọc một bản thảo từ một tác giả từng là lãnh đạo ngành ngân hàng. Bạn đang được đọc sách miễn phí, tìm hiểu về tác giả, biết được con đường phấn đấu từ một nhân viên giao dịch mới ra trường, đến một người lãnh đạo cả hệ thống ngân hàng trong một quốc gia, tích lũy kiến thức về tiền bạc, tiết kiệm, bảo hiểm, cả kinh nghiệm làm giàu,... chẳng phải là rất tuyệt sao? Hơn hết, không chỉ nhận được nhiều tài sản vô hình đó, bạn còn được đóng góp, mài giũa cho quyển sách hoàn hảo hơn để tung ra thị trường. Nhiều người đọc cũng sẽ được mở mang như bạn, chẳng phải là bạn đang tạo ra giá trị cho cộng đồng của mình đó sao?
Nâng cao nhiều kỹ năng, phát triển bản thân hơn mỗi ngày
Việc biên tập sách còn rèn cho bạn tính cẩn thận, tỉ mỉ và kỹ năng giao tiếp.
Bạn chắc chắn sẽ phải vận dụng kiến thức cứng về văn phong, từ ngữ, chính tả. Nhưng xa hơn thế, bạn còn cần phải học cách giao tiếp với tác giả sao cho họ cảm thấy ít tổn thương nhất có thể, dù cho bản thảo của họ không chất lượng, hoặc học cách đề xuất sao cho họ thấy “đứa con tinh thần” không bị người khác can thiệp quá nhiều tác phẩm của chính mình, khiến tác phẩm không còn trọn vẹn như ý ban đầu. Như vậy, biên tập một bản thảo không chỉ dừng lại ở việc làm chuyên môn, nó còn giúp bạn nâng cao nhiều kỹ năng khác để phát triển bản thân hơn mỗi ngày.
Việc sắp xếp thời gian, năng lượng, hoặc rèn luyện khả năng nghiên cứu, tư duy trong quá trình biên tập cũng sẽ giúp bạn trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng để dễ dàng tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp và góp phần giúp cuộc sống của bạn trở nên đa dạng, tốt đẹp hơn.
Tự do làm chủ cuộc đời mình
Khác với việc ghi tên mình vào danh sách nhân viên của một công ty sách, nhà xuất bản hay nhà phát hành nào đó, trở thành biên tập viên tự do cho phép bạn có được sự linh hoạt và quyền lựa chọn cho riêng mình. Chính bản thân bạn là một doanh nghiệp, vì thế, việc điều hành chính mình như thế nào sẽ tác động trực tiếp đến công việc và uy tín của bạn. Suy cho cùng, con người ta vẫn luôn muốn được tự do theo đuổi những điều mình thích, mình đam mê, cho mình nhiều thời gian để thực sự sống. Tự do đó nhất định sẽ đến, nhưng thú thật, nó không dễ dàng. Khi kiểm soát được mọi thứ, công việc, thời gian, thu nhập, các mối quan hệ, bạn sẽ cảm nhận được hương vị của sự tự do, đôi khi còn ngọt lành hơn là cảm giác thành công ở một vị thế nhiều trọng trách, vướng bận khác.

Xây dựng thương hiệu các nhân thông qua các mối quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, để từ đó phát triển sự nghiệp một cách bền vững
Việc trở thành một biên tập viên tự do còn giúp bạn kết nối với những người thật sự chất. Những cá nhân mong muốn xuất bản sách, hay mang lại giá trị cho người đời thông qua website cá nhân, hầu hết là những người đã có một vài thành tựu nào đó trong cuộc đời, đã vượt qua những thử thách gian nan nào đó, bên trong họ toát lên một vẻ khác biệt. Đó là thứ thu hút chúng ta, thu hút những người khác. Khi biên tập sách cho họ, bạn cũng đang được trao cho cơ hội làm quen, kết nối và cùng họ phát triển hơn nữa trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Từ những sản phẩm đã làm, bạn hoàn toàn có thể xây dựng nhân hiệu của riêng mình, hay nói cách khác là một thương hiệu riêng biệt cho bản thân. Để mỗi khi tác giả hay các đơn vị làm sách cần tới một biên tập viên tự do, họ sẽ nghĩ ngay đến bạn. Việc ngày thúc đẩy sự nghiệp của bạn lên một tầm cao mới, tươi đẹp hơn, nhưng cũng vững vàng hơn.
1.6 Thách thức của nghề biên tập viên tự do
Bên cạnh những lợi ích có được, bạn cũng sẽ gặp không ít khó khăn trên con đường trở thành biên tập viên tự do.
Công việc biên tập sách thường không được trả lương quá cao và phạm vi lương khá rộng
Số lượng công việc thực tế của một biên tập viên tự do nhiều hơn những gì người ta nghĩ. Mọi người thường cho rằng biên tập viên sẽ được ngồi mát đọc sách, soi lỗi, đề xuất chỉnh sửa hoặc làm những công việc nhẹ nhàng. Trên thực tế, công việc của một biên tập viên trải dài từ khâu lên ý tưởng cho đến việc thiết kế, dàn trang và đưa sách vào thị trường.
Là một biên tập viên kỳ cựu, chị Thu Hà - Book Manager của thương hiệu sách Quảng Văn, đã từng nhận định rằng: Nếu xem tác giả là mẹ đẻ của một cuốn sách, thì biên tập viên chính là cha đẻ của nó, một người đỡ đầu không thể thiếu trong quá trình hoàn thiện một cuốn sách hay đến tay người đọc.
Như vậy, mặc dù đem lại nhiều cơ hội cho những người yêu thích con chữ và làm việc tự do, khối lượng công việc nhiều hơn so với mức lương mặt bằng chung trên thị trường lao động cũng có thể khiến bạn dễ cảm thấy nản chí.
Yêu cầu cao về kiến thức tiếng Việt
Khi là một biên tập viên tự do, bạn cần phải nắm vững kiến thức về tiếng Việt, đó là một trong những nền tảng chắc chắn để bạn có thể tự tin chỉnh sửa và đề xuất với tác giả những lỗi sai trong bản thảo mà không e ngại tác giả sẽ gạt bỏ. Vài lần mình làm việc chung với các tác giả lớn tuổi hơn, có nhiều kinh nghiệm sống hơn và cái tôi cũng rất cao, việc điều chỉnh câu cú, từ ngữ của tác giả đều phải có dẫn chứng cụ thể, rõ ràng, đáng tin cậy để họ không cảm thấy khoảng cách tuổi tác sẽ ảnh hưởng tới công việc của mình và yên tâm giao bản thảo cho mình điều chỉnh. Mà, như bạn đã biết đấy, “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Để nắm vững kiến thức tiếng Việt, bạn cần đầu tư thật nhiều thời gian để bồi dưỡng và luyện tập.
Rào cản về ngôn ngữ khi làm việc với các bản thảo chuyển ngữ
Cái khó tiếp theo là khi bạn gặp phải những bản thảo không được viết bởi một người viết, hoặc một bản thảo chuyển ngữ. Ví dụ như, tác giả là một người có chuyên môn về lĩnh vực mà họ viết rất cao, kinh nghiệm cũng rất nhiều, nhưng cách diễn đạt của họ không phù hợp với hình thức một quyển sách, hoặc không dễ để độc giả thẩm thấu, bạn sẽ nhiều lần đối mặt với cảm giác chán chường khi chỉnh sửa bản thảo. Một bản thảo hàng trăm trang, và thời gian biên tập thì luôn chật hẹp sẽ khiến bạn đôi lúc nản chí và muốn bỏ cuộc. Song, nếu vượt qua được những giai đoạn này, và luôn tin rằng những bản thảo khó biên tập là cơ hội để mài giũa kỹ năng thì bạn sẽ nhận được nhiều thành quả ngọt ngào sau khi hoàn thành dự án khó này.
2. Điều kiện cần và đủ để bước vào nghề
2.1 Người phù hợp với nghề
Đối với bất kỳ nghề nghiệp nào, người phù hợp nhất chính là người yêu thích công việc đó, có khả năng thực hiện nó một cách độc lập, lâu dài và có đủ động lực để theo đuổi công việc đó tới cùng. Không một công việc nào trên đời này là dễ dàng, tuy nhiên, khi đủ đam mê, thì bạn mới đủ nguồn lực để có thể thực hiện ước mơ của mình. Vậy, điều kiện đầu tiên bạn cần phải có chính là hiểu rõ chính mình.
Liệu bạn có thật sự yêu thích con chữ?
Bạn có thật sự ổn nếu phải đọc hàng trăm trang giấy cùng một lúc và chỉnh sửa vô vàn những thiếu sót trong bản thảo thô?
Bạn sẽ chấp nhận những khó khăn trong nghề chứ?
Bạn đang sở hữu những nguồn lực nào để vượt qua thách thức và tiếp tục con đường mình đi?
...
Hãy hỏi bản thân thật nhiều những câu chất vấn đó, để biết bạn và nghề hợp với nhau ra sao, và sau đó hãy quyết định có nên đi theo con đường này hay không.
Công việc biên tập tự do nhất định sẽ cho bạn tự do thật sự nếu bạn biết nâng tầm dịch vụ và thương hiệu của bản thân. Điều này đòi hỏi bạn phải trang bị nhiều kiến thức về việc xây dựng nhân hiệu của riêng mình và dành nhiều thời gian để khẳng định về kỹ năng biên tập của bản thân, thông qua những lần chủ động đề xuất được biên tập bản thảo/bài viết của một ai đó trong nghề mà bạn tin tưởng, ngưỡng mộ.
Bạn không cần nhất thiết phải quá cầu toàn, nhưng nhất định phải cẩn thận và nhạy bén với con chữ. Khi đó, cơ hội đến với con đường biên tập viên tự do sẽ rộng mở. Nếu định hướng bản thân là một biên tập viên phát triển, bạn cần có tầm nhìn vĩ mô hơn, bao quát được thị trường và nắm bắt được xu hướng đọc của các tầng lớp độc giả ngày nay. Nếu bạn chọn trở thành một người hiệu đính toàn năng, bạn cần tỉ mỉ hơn nữa để nhìn ra lỗi sai trong bản thảo.
2.2 Các điều kiện cần và đủ có thể liên quan đến tính cách, thói quen, sở thích, ngành học, kinh nghiệm làm việc,... để hành nghề
Như mình có đề cập ở phần trên, việc trang bị kiến thức nền tảng về tiếng Việt là một trong những điều cốt lõi làm nên một biên tập viên vững tay nghề. Tuy nhiên, nếu coi kiến thức ngôn ngữ là những viên gạch xây dựng nên ngôi nhà sự nghiệp của bạn, thì những kỹ năng như: giao tiếp, quản lý, kết nối, nghiên cứu, marketing… chính là bột vữa, xi măng, những chất kết dính khác giúp cho căn nhà của bạn được hoàn thiện và vững chắc theo năm tháng.
Bạn cần học được cách giao tiếp với tác giả, khách hàng của mình sao cho họ không cảm thấy khó chịu với cách biên tập của bạn. Bên cạnh đó, đôi khi giữa biên tập viên và tác giả còn xảy ra những hiểu lầm không đáng có. Ví dụ, một dấu phẩy đặt sai vị trí, nhưng đó là “cố ý” của tác giả để nhấn mạnh một điểm đặc biệt nào đó trong câu. Nếu biên tập viên chỉ nhìn vào đó và đánh giá là sai, sửa trực tiếp vào bản thảo sẽ là hiểu sai ý tác giả, hai bên sẽ xảy ra những mâu thuẫn không đáng có. Kỹ năng giao tiếp lúc này là thứ cần thiết để biên tập viên có thể làm rõ vấn đề với tác giả và hiểu được sự “cố tình ấy”.
Những kỹ năng liên quan tới quản lý thời gian, quản lý nguồn năng lượng và quản lý chính bản thân là những công cụ hữu ích giúp cho bạn hành nghề trong tâm thế tự tin, phát triển và bền vững. Khi nhiều khách hàng tìm đến bạn cùng một lúc, một là bạn từ chối những người không phù hợp, hai là bạn nhận hết và phải đảm bảo rằng bản thân có thể hoàn thành hết các công việc đúng thời hạn, đủ chất lượng. Có như thế, bạn mới có thể tiếp tục theo đuổi công việc này, bởi khách hàng hài lòng về bạn một lần, sẽ giới thiệu và tiếp tục sử dụng dịch vụ của bạn nhiều lần sau đó.
Đó cũng là câu chuyện liên quan đến việc quảng bá bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân. Trong thời đại ngày nay, không một công việc gì có thể diễn ra êm đẹp nếu cứ âm thầm, lặng lẽ. Bạn cần phải chấp nhận một sự thật rằng, bạn phải nói cho người ta biết bạn đang làm gì, đang bán thứ gì, thì người ta mới biết mà tìm đến bạn để mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ của bạn. Việc đó yêu cầu những kiến thức và kỹ năng liên quan đến marketing, xây dựng nhân hiệu của mỗi người. Hãy trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc này để có một cuộc đời biên tập tự do bền vững và trọn vẹn.
Ngoài ra, là một biên tập viên, dù tự do hay trực thuộc một đơn vị nào khác, bạn cần một tư duy phản biện sắc nét, luôn đặt ra những câu hỏi cho vấn đề mà bản thân cảm thấy đáng nghi ngờ trong quá trình biên tập. Sau đó, hãy tra cứu, tìm hiểu xem những kiến thức được đề cập trong sách đã chính xác chưa, được trích dẫn từ đâu… Chính những câu hỏi bạn đặt ra để làm rõ nội dung sách là một trong những điểm thuyết phục khiến cho khách hàng, tác giả ngày càng tin tưởng bạn. Việc gì khi thực hiện đều xuất phát từ cái tâm, sẽ đến được với cái tâm, biên tập viên cũng như thế.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một trường nào đào tạo biên tập viên một cách chỉn chu, chuyên nghiệp. Những trường top đầu liên quan tới báo chí, truyền thông, nhân văn, xã hội thường sẽ có những chương trình đào tạo liên quan. Hoặc bạn cũng có thể chọn theo học các ngành ngôn ngữ, các khóa đào tạo trực tuyến để hiểu thêm về công việc và xu hướng ngành nghề của việc trở thành Biên tập viên tự do chuyên nghiệp hơn.
3. Lộ trình phát triển với nghề
Mỗi người sẽ có một định hướng phát triển riêng trong sự nghiệp. Người nhạy bén với ý tưởng và có nhiều kinh nghiệm làm việc với sách có thể chọn trở thành Biên tập viên phát triển. Người tỉ mỉ hơn, hướng nội hơn có thể sẽ thích công việc của một biên tập viên hiệu đính, chỉnh sửa câu từ, cách diễn đạt… cho phù hợp và chính xác. Cũng có người chọn bắt đầu ở công việc kiểm tra và sửa lỗi chính tả, một thời gian sau chắc tay nghề sẽ chuyển sang mảng biên tập và phát triển.
Tuy nhiên, dù đi theo con đường nào, bạn cũng cần trang bị những kiến thức nền tảng, kỹ năng xây dựng và tinh thần trách nhiệm, uy tín đối với mọi người. Bạn cần hiểu rõ bản thân mình để có lựa chọn thật sự phù hợp. Đối với hầu hết những biên tập viên làm việc tự do, lộ trình phát triển nghề biên tập tự do có thể đi theo hướng phổ biến như sau:
Giai đoạn 1: Chuẩn bị kiến thức và chọn cho mình một ngách nội dung để theo đuổi
Như mình có đề cập về các thách thức khi trở thành một biên tập viên tự do, để vượt qua được những thách thức đó và theo đuổi đến cùng, bạn cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Napoleon Hill đã từng nói: “Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình may mắn, chúng ta vẫn phải làm việc chăm chỉ để đưa mình vào vị trí đó.”
Để trở thành một biên tập viên tự do, bạn cần một bộ kiến thức và kỹ năng tốt về ngôn ngữ và tư duy. Không chỉ vững về ngữ pháp, từ vựng, cách sử dụng và kết hợp từ ngữ, việc rèn luyện tư duy phản biện, tư duy logic và tư duy hệ thống cũng đóng vai trò quan trọng trên lộ trình trở thành một biên tập viên tự do. Trong thời gian chuẩn bị, ngoài việc theo đuổi các khóa học chuyên môn, bạn cũng có thể tham gia các hội nhóm chất lượng về viết và tiếng Việt như: Những người viết hằng gày, Yêu lại tiếng Việt, Ngày ngày viết chữ, Tiếng Việt giàu đẹp,...
Bên cạnh kiến thức về ngôn ngữ, bạn còn cần tìm hiểu kiến thức về chuyên môn trong các lĩnh vực mà bạn muốn làm việc cùng. Hãy chọn cho mình một ngách nội dung cụ thể để theo đuổi và tìm hiểu thật kỹ kiến thức về lĩnh vực đó. Một biên tập viên sách hư cấu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc biên tập những bài viết/bản thảo liên quan tới kinh doanh, kiến trúc, kỹ thuật hoặc giáo dục… Dù cho bạn chọn phát triển sự nghiệp biên tập theo hướng nào (phát triển, điều chỉnh hay hiệu đính), bạn cũng cần chọn cho mình một đề tài để đi sâu, đi sát và phát triển nó thật vững vàng.
Hãy thử viết ở nhiều lĩnh vực nội dung, sau đó tạo thói quen biên tập lại từng bài viết một, dù đó là bài viết trên trang xã hội đơn giản hay trên blog cá nhân của bạn. Sau khi đủ trải nghiệm, bạn sẽ có đủ cơ sở để chọn cho mình một ngách thích hợp.
Giai đoạn 2: Dấn thân và tìm kiếm cơ hội
Trong quá trình chuẩn bị, bạn đã có cho mình một cộng đồng những người cùng đam mê làm việc với con chữ. Thậm chí, bạn có thể đã chuẩn bị cho mình một trang blog để rèn luyện và xây những việc gạch đầu tiên. Đến một thời điểm cảm thấy đủ chín và tự tin về sự chuẩn bị của mình, may mắn sẽ đến và mỉm cười với bạn. Bạn sẽ có nhiều cơ hội để thật sự tham gia vào các dự án biên tập nếu thật sự chủ động nắm bắt.
Ví dụ, vào tháng 10/2021, khi nhóm Những người viết hằng ngày của chị Linh Phan khởi động dự án viết sách Bút hết nặng, Viết hết đau dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp viết lách, mình đã chủ động ứng tuyển vào vị trí biên tập với số năm kinh nghiệm là 0. Ở thời điểm đó, mình xác định sẽ theo đuổi con đường trở thành một biên tập viên tự do chuyên nghiệp, may mắn thay, mình nắm bắt và được trao cho cơ hội để biến số 0 thành 1, rồi nhiều hơn thế về sau. Mình tham gia dự án với vai trò là Trợ lý biên tập, được trải nghiệm đúng nghĩa công việc của một biên tập viên tự do, từ khâu lên ý tưởng, sắp xếp bố cục, cấu trúc, triển khai viết, chỉnh sửa, hiệu đính và đóng góp ý tưởng cho thiết kế, dàn trang, marketing và bán sách.
Sau Bút hết nặng, Viết hết đau, rổ kinh nghiệm của mình đã bắt đầu có thành quả, giỏ cơ hội của mình cũng ngày càng được mở mang. Mình được trao cơ hội tham gia vào các dự án sách khác, trở thành biên tập viên chính của The Quiet Souls. Mình vẫn tin rằng, sự chủ động là một trong những yếu tố cần thiết trong giai đoạn dấn thân và tìm kiếm cơ hội để đi những bước đầu tiên trên hành trình trở thành một biên tập viên tự do chuyên nghiệp này.
Giai đoạn 3: Phát triển sự nghiệp
Giai đoạn này là kết quả tất yếu sẽ đến khi bạn thật sự chăm chút và chuyên tâm ở giai đoạn 2. Bạn biết đấy, sự nhiệt thành và bền bỉ sẽ mang đến cho chúng ta nhiều thành quả ngọt ngào. Dù làm bất kỳ ngành nghề nào, chúng ta dường như cũng phải trải qua các giai đoạn: tìm hiểu và học tập kỹ năng, tìm kiếm cơ hội và khảo nghiệm thực tế, cuối cùng là phát triển sự nghiệp một cách vững chắc. Đặc biệt hơn, với những công việc mang tính chất tự do, bạn hoàn toàn có thể tự tin trở thành một Solo-preneur (người tự khởi nghiệp) với chính dịch vụ của mình. Bạn là một doanh nghiệp, là người điều hành, là thương hiệu, là tài sản của doanh nghiệp riêng mình. Phát triển sự nghiệp chính là phát triển bản thân, ở mọi khía cạnh. Đó cũng chính là mục tiêu cuối cùng mà hầu hết những người theo đuổi công việc tự do muốn đạt được.

Ba giai đoạn này có thể sẽ kéo dài 1 năm, 2 năm, nhanh hơn hay lâu hơn như thế, tất cả đều dựa trên ý chí và sự bền bỉ của bạn. Nó cũng có thể khó khăn, chông gai, hoặc nhẹ nhàng, suôn sẻ hơn tùy vào cách bạn tiếp cận và triển khai chinh phục. Tuy nhiên, một khi đã kiên quyết chọn lựa con đường này, mình hy vọng bạn sẽ kiên tâm theo đuổi đến cùng.
4. Công cụ hỗ trợ hành nghề
Một biên tập viên tự do sẽ cần có nhiều công cụ để hỗ trợ hành nghề một cách chuyên nghiệp. Bạn là một doanh nghiệp riêng và bạn cần cả một hệ thống để vận hành doanh nghiệp này. Mỗi một kỹ năng giống như một phòng ban, cần được trau dồi và mài dũa và hỗ trợ liên tục. Vậy, bạn hãy thử nhắm mắt lại và ngẫm thật kỹ, để có thể thành công theo đuổi sự nghiệp biên tập tự do này, bạn cần rèn luyện những kỹ năng nào? Sau đó viết vào bên cạnh những kỹ năng đó một bộ công cụ hỗ trợ thích hợp.
Ví dụ:
Bạn cần học cách quản lý thời gian và năng lượng để có thể cùng một lúc biên tập nhiều hơn một bản thảo. Vậy, bạn cần những công cụ hỗ trợ tăng sự tập trung vào một quãng thời gian nhất định. Bạn có thể tham khảo ứng dụng Pomodoro, Google Calendar, Notion… hay bất kỳ một ứng dụng nào mà bạn quen tay và thấy hợp với bạn.
Những công cụ có liên quan đến việc lên kế hoạch một cách chi tiết, rõ ràng cũng là một nhân tố đắc lực giúp bạn kiểm soát được công việc và phát triển sự nghiệp một cách tối ưu. Bạn có thể tạo một To do list theo tháng, tuần, ngày, bằng cách viết tay, vẽ máy, hay note đơn giản vào một tờ giấy, hoặc cũng có thể sử dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả công việc qua các ứng dụng Notion, Trello, Asana,... Cái nào cũng được, miễn bạn hiểu, dễ áp dụng lâu dài và hiệu quả là được.
Mình là một người không quá sành về công nghệ và các ứng dụng. Hơn nữa, mình đã quen và cảm thấy hiệu quả với việc dùng bút giấy nhiều hơn. Khi làm việc, mình thường để điện thoại ở xa và dùng giấy bút để lên đầu việc cần thực hiện trong một khoảng thời gian, sau đó tập trung làm cho xong những đầu việc và đứng dậy. Đó là cách mình thường áp dụng khi có cùng một lúc hai đến ba bản thảo cần được rà soát lỗi diễn đạt, câu từ, chính tả… cùng một lúc.
Ngoài ra, đối với một người biên tập tự do, thứ bạn không thể thiếu trong quá trình biên tập chính là một quyển từ điển tiếng Việt chất lượng - Từ điển Tiếng Việt của giáo sư Hoàng Phê. Đây là quyển từ điển tổng hợp các kiến thức về từ ngữ dành cho bạn những khi không chắc chắn từ ấy là đúng hay sai. Từ điển này được xem là một trong những bí kíp “lận lưng” của các biên tập viên tự do ở Việt Nam. Được cập nhật mỗi năm một lần với những chuyển biến ngôn ngữ quan trọng, từ điển này sẽ là bộ cứu thương cho bạn trong quá trình biên tập sản phẩm.
Bên cạnh đó, bạn có thể chuẩn bị cho mình kiến thức, kỹ năng thông qua các khóa học chuyên về biên tập của các anh chị đi trước. Mình từng tham gia một khóa học về Biên tập sách của chị Linh Phan và chị Hà - Manager của Quảng Văn, sau khóa học, mình nhận ra còn nhiều thứ cần phải bổ sung và học hỏi thêm nếu thật sự muốn theo đuổi con đường này một cách nghiêm túc. Không dễ dàng, nhưng cũng không quá chán nản. Đối với mình, hành trình này khá thú vị và mang lại nhiều niềm vui hơn. Bạn cũng có thể tham khảo và học các khóa học viết/biên tập cơ bản từ chương trình Better Writing của On Writing Daily, hay Khóa học Hiểu sâu Viết sắc của chị Nguyễn Thùy Dung,... để nâng cao hơn kỹ năng viết và biên tập của bản thân.
Lời kết
Bạn thấy đó, so với những quyền lợi được đề cập ở đầu bài, trách nhiệm và những công việc cụ thể của một biên tập viên tự do không hề dễ dàng. Song, những con đường khó đi lại thường là những con đường thú vị. Nếu đủ yêu thích và đam mê, bạn có thể thử bắt đầu với việc biên tập từng bài viết của cá nhân trên các trang mạng xã hội hoặc blog cá nhân của mình. Với những kẻ yêu con chữ và viết lách như mình, việc trở thành một biên tập viên tự do là một món quà, chẳng những thỏa được đam mê luôn cháy bỏng trong lòng, còn tạo ra nhiều cơ hội để sống tốt hơn, có giá trị hơn mỗi ngày. Với những phân tích cụ thể ở trên, nghề biên tập viên tự do được cho là sẽ trở thành xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, khi nhu cầu xuất bản và tự xuất bản của các tác giả ngày càng nhiều và tính chất công việc tự do được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Vì thế, nếu thật sự đam mê và nghiêm túc chọn lựa, mình hy vọng bạn sẽ luôn kiên trì và vững vàng trên con đường này. Chẳng sợ công việc khó khăn, chỉ sợ bản thân khó chịu với chính mình khi chọn một nghề không phù hợp để theo đuổi. Tất nhiên, song hành cùng những thành quả và lợi ích ngọt ngào, chính là những khó khăn và thách thức cần phải vượt qua. Hãy vững tin và mạnh mẽ chinh phục, khi ấy, những món quà tuyệt vời sẽ đến với bạn, những người dũng cảm vượt khó khăn để làm được công việc mình yêu.
Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Tâm Nhi và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.

Mình là Tâm Nhi, một người mẹ song sinh, một người làm giáo dục và người viết truyền cảm hứng sống hạnh phúc đến những người xung quanh.
Gần đây, mình góp mặt với vai trò là đồng tác giả của hai cuốn sách: Có ai ở đó không? (NXB Thanh niên, 11/2021) và Bút hết nặng, Viết hết đau (NXB Hồng Đức, 05/2022). Ngoài ra, mình còn là một biên tập viên tự do cho nhiều dự án viết khác nhau. Mình có một căn nhà nhỏ, nơi ươm những hạt mầm cảm xúc tích cực, bạn có thể đến chơi bất cứ lúc nào và sạc lại năng lượng bình yên sau những ngày lao lực. Mời bạn ghé thăm căn nhà nhỏ của mình tại Tâm Nhi Writer.