Đôi lúc chúng ta không bắt đầu sự nghiệp bằng hai chữ “đam mê”. Chính những bài học trong hành trình ấy mới là lý do khiến chúng ta kiên trì, bền bỉ đi đến cùng. Sau hơn 5 năm làm podcast, bài học về sự kỷ luật và tinh thần đón nhận đã giúp Podcaster Link Po vững vàng hơn trong con đường sự nghiệp của mình. Mời bạn cùng AFD đón đọc những bài học của Link Po ngay sau đây nhé.
Chào Link Po, mời bạn giới thiệu một chút về bản thân
Chào mọi người, mình là Link Po - tên đầy đủ là Nguyễn Linh Phượng. Hiện tại mình đang sống ở châu Âu và được biết đến như một Podcaster, người hướng dẫn làm podcast và là một Pilates Instructor - giáo viên dạy Pilates.
Cơ duyên nào đã dẫn Link Po đến với podcast? Vì yêu thích hay mình đã nhìn thấy xu hướng này trong tương lai?
Mình nghe podcast từ năm 2015, đến năm 2016, tập podcast đầu tiên ra đời. Nhìn lại 5 năm qua, đúng là chưa có điều gì khiến mình gắn bó bền bỉ như chuyện làm podcast. Bởi thế, mọi người hay nói đùa là ‘Mình có tình yêu mù quáng với podcast’

Mình không phải người giỏi nắm bắt xu hướng, cũng không tính toán quá nhiều khi bắt tay vào làm podcast. The Blue Expat - kênh podcast đầu tiên của mình ra đời như một sự đáp-đền-tiếp-nối. Trong khoảng thời gian làm luận án tốt nghiệp Thạc sĩ ở Ý, mình đã phải mất mấy tháng trời chỉ để nghiên cứu và hiểu được những lý thuyết để áp dụng vào luận văn. Sau đó, mình tình cờ nghe được một tập podcast mà chỉ vỏn vẹn chưa đầy một giờ đồng hồ, họ đã giải thích được cả một lý thuyết kinh tế mình mất mấy tuần để nắm bắt.
Với mình, podcast mang lại rất nhiều điều quý giá. Sẽ thật tiếc khi nhiều người chưa biết đến nó. Hơn nữa, ở thời điểm đó kênh podcast tiếng Việt quả thực rất hiếm. Nếu chúng ta cứ ở đó thắc mắc thì mãi sẽ chẳng có câu trả lời. Bởi vậy, sự đáp-đền-tiếp-nối của mình chính là mong bản thân có thể trở thành một chiếc cầu nối mang mọi người đến với nền tảng này. Đồng thời, cũng là để đánh dấu một kênh podcast hoạt động độc lập bởi người Việt.
Mời Po chia sẻ một chút về The Blue Expat và những tập Podcast đầu tiên
The Blue Expat ra đời vào khoảng tháng 09/2016. Ý tưởng ban đầu là phỏng vấn người Việt sống ở nước ngoài hoặc mang yếu tố nước ngoài. Mình tập trung vào những câu chuyện gần gũi đời thường để mọi người thấy rằng ‘‘Chúng ta là người Việt và đang đứng ở những vị trí địa lý khác nhau. Nhưng cuộc sống của chúng ta vẫn thế. Vẫn có những vui buồn, khó khăn, thử thách tương tự. Dù đang sống ở đâu, bạn cũng sẽ tìm thấy một phần của mình qua những câu chuyện này”.
Ở giai đoạn đầu làm podcast, khó khăn lớn nhất với mình là kỹ thuật. Vào thời điểm đầu năm 2016, chúng ta còn chưa có Zoom hay Google Meet. Việc làm một podcast dạng phỏng vấn từ xa thực sự là một thử thách. Còn nhớ sau buổi thu âm đầu tiên, mình phát hiện gần một nửa cuộc gọi đã không được ghi lại do trục trặc tín hiệu giữa chừng. Khách mời khi đó là bạn Vinh Go với Hành trình đi bộ “No-air” từ Pháp về Việt Nam. Lúc đó Vinh di chuyển rất nhiều nên mình đành hẹn hoàn thành phỏng vấn sau khi bạn về nước an toàn. Đó là lí do tập đầu của The Blue Expat lại không phải là câu chuyện của Vinh Go mà là Phong cách sống tối giản với bạn Chi Nguyễn (The Present Writer).

Link Po trong vai trò trainer chương trình Podcast Cast Camp 2021
Sau The Blue Expat với vai trò là podcaster, mình ra mắt kênh podcast thứ 2 - Làm Podcast với The Blue Expat - một kênh podcast về podcast đầu tiên bằng tiếng Việt. Lúc này, mình chính thức bước vào vai trò của một người hướng dẫn làm podcast.
Khi nghe lại những podcast đầu tiên, bạn cảm thấy thế nào?
Nếu ngày xưa mình rất sợ nghe lại thì bây giờ lại thấy rất bình thường, thậm chí mình còn lên kế hoạch để nghe lại nữa.

Những tập podcast cũ cho mình thấy một Link Po rất… ngây ngô. Nhiều lúc mình phải thốt lên “Ơ sao lúc đó mình lại phản ứng như thế nhỉ, sao mình lại hỏi câu này nhỉ?”. Sau này, mình lại thấy sự ngây ngô đó rất dễ thương. Bởi mình nhìn thấy bản thân đã thay đổi, đã lớn lên. Nếu không thấy bản thân từng non nớt có nghĩa là mình chưa trưởng thành hơn. Bởi vậy, mình càng trân trọng những lần đầu bỡ ngỡ đó nhiều hơn.
Sau này, khi mang tư duy của một người sản xuất podcast và bước vào “phòng thu” một cách chủ động hơn, mình thường nghe lại để phân tích những điểm yếu của bản thân. Ví dụ những cảm xúc được thể hiện từ tiếng cười, ngữ điệu giọng nói khi trao đổi với khách mời, làm sao để tự nhiên mà không gây khó chịu cho người nghe. Nhờ đó, mình có thể thu podcast với tinh thần của một "Digital Nomad" chấp cả không gian.
Theo Link Po, yếu tố nào là quan trọng nhất để làm nên một podcast chất lượng?
Đặc trưng của Podcast là nghe. Vì thế, âm thanh là yếu tố đầu tiên để chấm điểm chất lượng. Bạn có thể chưa làm tốt câu chuyện âm thanh ngay từ đầu so với mặt bằng chung nhưng phải tốt nhất từ những gì bạn có thể. Theo thời gian, khi bạn nâng hạng bản thân, người nghe nhìn thấy sự tiến bộ, họ sẽ bắt đầu yêu quý kênh của bạn.
Yếu tố chất lượng thứ 2 chính là nội dung. Để tạo ra nội dung chất lượng, bạn không cần phải là một người viết hay để cắt tỉa câu chữ. Điều quan trọng nhất là bạn cần phải biết được đối tượng kênh podcast của bạn là ai, họ đang khao khát điều gì. Mình hay ẩn dụ bằng hình ảnh thuốc giảm đau/viên vitamin, bạn muốn nội dung có ý nghĩa như thế nào với thính giả của mình thì hãy làm đúng như vậy.
Để xây dựng một kênh podcast chất lượng, mình nên nắm giữ tư duy, kỹ năng nào?
Đằng sau mỗi tập Podcast hoàn thiện là gì? Đó là những ngày mình cất công liên hệ với nhân vật phỏng vấn, lên kịch bản, ngồi trong phòng thu để chỉnh sửa từng chút một,... Vì thế, kỷ luật là yếu tố không thể thiếu. Có kỷ luật khi làm podcast sẽ giúp bạn không ngừng cải tiến công việc, mang lại hiệu suất cao hơn.
Ngoài ra, nói và viết là cặp kỹ năng không thể thiếu. Làm công việc liên quan tới giọng nói đồng nghĩa với việc bạn cần ý thức hơn về giọng của mình. Việc cải thiện khả năng truyền đạt và cả kỹ thuật giọng sẽ giúp bạn đỡ vất vả hơn trong quá trình thu âm, chỉnh sửa. Bạn cũng cần có một chút kỹ năng viết nhưng là để lên dàn ý chặt chẽ về mặt thời gian chứ không phải cắt gọt chữ sao cho không thừa không thiếu. Đối với những bạn làm podcast dạng phỏng vấn khách mời như mình, chúng ta còn cần phải có kỹ năng lắng nghe để đào sâu, kết nối câu chuyện của khách mời. Bạn hãy nghe với đôi tại của một người nghe (thính giả) và nghe với đôi tai của một Podcaster.
Ngoài Podcast, hiện Link Po còn theo đuổi Pilates, công việc này có bổ trợ gì cho sự nghiệp Podcast của bạn không?

Mình bắt đầu với Pilates từ một chấn thương về Yoga. Sau hơn 3 năm vừa học tập vừa rèn luyện, mình đã đạt chứng chỉ quốc tế và bắt đầu làm việc như một hướng dẫn viên Pilates.
Nhìn bề ngoài, hai nghề này chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng khi dấn thân vào Pilates, mình đã học thêm một điều cực kỳ quan trọng cho podcast, đó chính là ‘Làm thế nào để có cột hơi và giọng nói tốt’. Bốn tiếng liên tiếp dạy trong phòng máy lạnh với nhiều tiếng ồn từ thiết bị tập luyện buộc mình phải nói lớn hơn, mất nhiều năng lượng hơn. Còn với podcast, mục tiêu của mình là làm sao để thu một tập 10 lần mà giọng đều như một. Nhờ có trải nghiệm đáng giá này, mình đã bắt đầu hướng dẫn sâu hơn cho các bạn về cột hơi, giọng nói khi làm podcast.
Sau hơn nửa thập kỷ dấn thân vào con đường podcast, bạn thấy mình được và mất những gì?
Như mọi người hay nói “Po có một tình yêu mù quáng với podcast’. Podcast không lấy đi của mình điều gì, mọi thứ mình làm đều có chi phí cơ hội. Quả thực, quá trình này đã cho mình cơ hội khám phá bản thân rất nhiều. Nếu không phải là podcast, mình sẽ chưa bao giờ khắt khe với bản thân như thế. Nếu không phải là podcast, mình cũng chưa bao giờ kỷ luật được đến vậy.
Thú vị hơn nữa là khi làm podcast với hình thức phỏng vấn nhân vật, mình đã dám bước ra khỏi vùng an toàn, gửi thư mời phỏng vấn cho những người chưa gặp bao giờ. Nhờ đó, mình mở rộng vòng kết nối và góp nhặt được rất nhiều chia sẻ giá trị từ họ.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, Po muốn nhắn nhủ điều gì dành cho những bạn bắt đầu làm podcast?
Bạn hãy trả lời vì sao bạn làm Podcast? “Vì bạn thích?”, “Vì bây giờ ai cũng làm podcast?” Hay vì một lý do nào khác. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để bắt đầu.
Cám ơn Link Po đã dành thời gian chia sẻ câu chuyện của mình và hy vọng sẽ được gặp lại bạn trong cuộc phỏng vấn Link Po và một thập kỷ làm Podcast.
---
Nhân vật: Nguyễn Linh Phượng
Kinh nghiệm: Podcaster (từ 2016)
Bạn có thể tìm Link Po tại:
The Blue Expat podcast: https://open.spotify.com/show/7Jma1yx2Fuz9oGo1DVGStk
Website: https://theblueexpat.com/
Làm Podcast: https://open.spotify.com/show/1Q0QvDglzDTM8L7kMZmZHa
Dành cho Podcaster: https://lampodcast.com/
Ảnh: Nhân vật cung cấp
---
Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Nguyễn Kim Phượng và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.