Làm thế nào để trở thành một Social Media Manager?
Nếu bạn yêu thích việc tiếp thị trên nền tảng kỹ thuật số, Social Media Manager có thể là một công việc thú vị dành cho bạn. Trong bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan, nắm cơ bản lộ trình và các kỹ năng, công cụ cần có để bước vào một nghề mới đầy hấp dẫn - Social Media Manager (viết tắt là SMM).
1. Tổng quan về nghề Social Media Manager (SMM)
1.1. Thị trường tiềm năng cho nghề SMM
Theo báo cáo của Sprout Social, có 67% khách hàng chi tiêu cho thương hiệu và 78% sẽ ghé thăm cửa hàng bán lẻ truyền thống khi họ tiếp cận thương hiệu trên mạng xã hội (MXH).
Hình bên dưới là báo cáo tổng quan về nhóm người sử dụng mạng xã hội tháng 01/2022. Có đến 4,62 tỷ người (chiếm 58,4%) dân số sử dụng MXH. Số người sử dụng MXH chiếm 93,4% so với tổng số người dùng internet.
Họ dành trung bình 2 giờ 27 phút/ngày để sử dụng chúng. Điều này cho thấy nhu cầu xuất hiện trên MXH ngày càng cao và sự cần thiết của một SMM nhằm quản lý thương hiệu.

Tổng quan về nhóm người sử dụng mạng xã hội. (lược dịch từ nguồn: wearesocial)
Chiến lược truyền thông mạng xã hội sẽ giúp doanh nghiệp
Tiếp cận chính xác tệp khách hàng tiềm năng, quan sát hành vi và thói quen mua hàng khi sử dụng mạng xã hội của họ.
Xây dựng nhận thức thương hiệu: tần suất xuất hiện thường xuyên và tạo sự khác biệt trong tiếng nói thương hiệu (brand voice).
Kết nối với khán giả thương hiệu một cách mạnh mẽ nhất, dễ dàng trò chuyện, thúc đẩy tương tác và nổi bật thương hiệu (brand distinctiveness).
Thu hút khách hàng với các sản phẩm và dịch vụ, tăng tỷ lệ chuyển đổi và xây dựng lòng trung thành thương hiệu (brand loyalty).

Hình: Các mục tiêu chính khi tiếp thị trên mạng xã hội
1.2 Social Media Manager là nghề gì?
Điều quan trọng nhất của chiến lược truyền thông mạng xã hội chính là xác định chân dung khách hàng. Hiểu được điều này, các doanh nghiệp sẽ cần xác định được khách hàng lý tưởng của doanh nghiệp, chọn đúng nền tảng mạng xã hội, cho ra đời nội dung phù hợp nhất để chia sẻ và quảng cáo đúng tệp khách hàng, phân tích các chỉ số và cải tiến quy trình, cách tiếp cận.
Để thực hiện các điều này chúng ta cần một Social Media Manager (SMM) - Chuyên viên quản lý mạng xã hội.
Social Media Manager là người không những am hiểu các nền tảng mạng xã hội mà còn nắm rất rõ thông điệp của cá nhân/doanh nghiệp. Bạn có khả năng quản lý một hoặc nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. SMM lên chiến lược cho các chiến dịch thương hiệu. Bạn đại diện cho tiếng nói thương hiệu trên mạng xã hội. Bạn sẽ truyền tải những thông tin phù hợp với mục tiêu kinh doanh theo từng thời điểm đến với đối tượng cần thiết.
1.3 Thu nhập cho vị trí SMM
Theo Vietnamwork, mức lương cho vị trí Social Media Manager hiện nay từ $1,000 - $1,200/tháng (dựa theo 46 việc làm trên vietnamwork). Theo Indeed, mức lương cho SMM trung bình 14,5 triệu/tháng. Với các công ty mà vị trí social media manager có nhiệm vụ chính là đăng tải các bài viết lên website theo lịch trình được sắp xếp, lương từ 7-15 triệu/tháng.
Tóm lại, tùy theo quy mô và nhu cầu của công ty, mức lương của vị trí này có thể từ 7 triệu đến hơn 25 triệu/tháng tại Việt Nam. Ngoài ra, bạn có thể làm việc như một freelancer trên các sàn quốc tế như Fiverr, Upwork. Tại đây, bạn có thể kiếm từ $15 – $35/giờ. Với những freelancer có kỹ năng cao hơn, bạn có thể đạt thu nhập từ $50 - $100/giờ.
1.4 Công việc cụ thể một Social Media Manager
Tùy theo yêu cầu và quy mô công ty, các công việc một SMM chịu trách nhiệm có thể khác nhau. Tuy nhiên những nhiệm vụ chính và phổ biến mà một SMM đảm nhiệm là:
- Sáng tạo kế hoạch nội dung: Nội dung có thể là bài viết hoặc thiết kế hình ảnh, quay video, ghi âm, livestream,... SMM đăng tải nội dung trên các nền tảng phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Youtube, TikTok, Pinterest,....
- Lên lịch đăng bài hàng tháng: mục tiêu bài đăng, ngày đăng bài, thời gian đăng, kênh phù hợp khách hàng mục tiêu, chiến lược hashtag, khi nào và sử dụng bài nào cho quảng cáo trả phí. SMM đảm bảo các thông điệp thương hiệu phải nhất quán trên tất cả các nền tảng.
- Tương tác với khách hàng: SMM trả lời các bình luận, tương tác với thương hiệu hoặc cá nhân khác. Điều này tạo ra những trải nghiệm thương hiệu tích cực.
- Phân tích dữ liệu: SMM xem xét những bài đăng thu hút, tìm hiểu xu hướng, sự yêu thích của khách hàng mục tiêu và lập báo cáo kết quả định kỳ.
- Cập nhật các xu hướng trực tuyến: SMM theo dõi việc thay đổi thuật toán trên các nền tảng chính mà doanh nghiệp đang sử dụng để kịp thời điều chỉnh nội dung.