top of page

Host Kim Phượng: Sống và làm việc như một cái cây, biến đam mê thành sự nghiệp

07 năm trước, Phượng là quản lý nhân sự với 2000 nhân viên đủ cấp bậc. Bây giờ, chị đã chính thức trở thành một Webinar Host chuyên nghiệp. Gặp Phượng, bạn sẽ thấy một mẹ bỉm sữa trẻ trung, tràn đầy năng lượng, mỗi ngày đều được làm công việc mình yêu thích, đúng điểm mạnh, trọn đam mê. Vậy điều gì đã giúp chị chạm đến sự nghiệp lý tưởng này? Mời bạn cùng A Freelance Doer nghe Phượng chia sẻ ngay sau đây nhé.


Chào Kim Phượng, bạn giới thiệu một chút về bản thân và công việc hiện tại nhé


Chào mọi người, tôi là Kim Phượng, mẹ của “một cái đuôi” 28 tháng tuổi.

Cách đây 07 năm, tôi từ bỏ vị trí quản lý nhân sự, về nhà tự kinh doanh để có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Giữa năm 2021, khi mọi chuyện ổn thoả, tôi quyết định dấn thân vào con đường viết lách và may mắn có được nhiều cơ hội công việc giá trị. Hiện tôi vừa là Admin group vừa là Mentor trong chương trình OWD Mentorship thuộc cộng đồng Những người viết hàng ngày (On Writing Daily). Từ viết bén duyên với nói, cuối tháng 12/2021, tôi chính thức trở thành Host - người dẫn dắt cho các workshop tại cộng đồng Những người làm freelancer - A Freelance Doer. Đây là công việc tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất ở hiện tại cũng như xây dựng định hướng lâu dài cho tương lai.


Phượng đến với công việc Host cho các workshop của A Freelance Doer (AFD)/dẫn các chương trình online như thế nào?


Rất là tình cờ! Mọi thứ đến với tôi một cách tự nhiên, không hề chủ đích.

Những người viết hàng ngày là cộng đồng viết lách đầu tiên mang lại cho tôi cảm giác an toàn và tinh thần sẵn sàng chia sẻ. Nhờ hoạt động tích cực ở đây, tôi đã mạnh dạn đăng tải bài viết bằng định dạng video thay vì chữ. Dù xuất hiện với tâm thế… viết mãi cũng chán, chia sẻ video cho vui, nhưng đó là clip đầu tiên giúp tôi bén duyên với vai trò host như hiện tại. Sau hàng trăm phản hồi tích cực,  Chị Linh Phan - sáng lập cộng đồng Những người viết hàng ngày đã “tóm” tôi về với dự án Những người làm freelancer tại AFD. Và tôi trở thành mảnh ghép vừa in của AFD  với nhiệm vụ dẫn dắt các workshop hàng tháng.


Thế là… “bỗng nhiên” tôi trở thành Host.


Host Kim Phượng và Speaker Linh Phan


Phượng học ngành kế toán nhưng ra trường làm HR, sau đó kinh doanh. Có vẻ như, các công việc trước kia không liên quan gì đến công việc host hiện tại. Vậy nói trước đám đông có phải là sở thích/năng khiếu đặc biệt của Phượng không?


Đúng vậy. Nói trước đám đông đúng là sở thích cá nhân. Và tôi đã rèn luyện nhiều đến mức trở thành thói quen, ăn sâu vào tiềm thức.


07 năm trước, tôi quản lý bộ phận nhân sự, một lúc nắm nhiều mảng từ tuyển dụng, đào tạo, đến C&B (lương, thuế, bảo hiểm, phúc lợi). Trong đó, mảng đào tạo đã cho tôi môi trường để rèn luyện kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông một cách chuyên nghiệp. Tôi bắt đầu bằng việc soạn thảo nội dung, trình bày với sếp, sếp duyệt thì lên lịch đào tạo, rồi training cho toàn bộ cán bộ công nhân viên. Từ công nhân phân xưởng, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng cho đến quản lý cấp cao; Từ một nhóm nhỏ vài chục người cho đến các chương trình lên tới 2000 người, tôi đều tự tin cân tất.


Ngoài ra, tôi cũng là người phụ trách lên kịch bản, điều phối chương trình cho các sự kiện lớn nhỏ của công ty (thăng chức cho nhân viên, công bố chính sách mới, chiến lược mới, Year end party cuối năm). Chính quãng thời gian lăn xả này đã cho phép sở thích của tôi triển nở liên tục và trở nên cứng cáp vô cùng.


Tính từ lúc nghỉ việc đến nay cũng ngót 07 năm, làm thế nào để Phượng quay lại và bắt kịp vai trò host chương trình, đặc biệt là host online?

Tôi trở thành host Workshop online không hề có đủ đích. Nhưng nhìn lại, tôi thấy có hai lý do lớn nhất đưa mình đến với vai trò thú vị này. Đầu tiên, tôi đã xây dựng nền tảng thuyết trình vững chắc ngay từ thời còn làm quản lý nhân sự. Sau đó, khi lấn sân sang viết lách, kỹ năng nói của tôi lại được củng cố mạnh hơn.


Công việc của host online luôn có hai phần chính: Nội dung kịch bản và trình bày. Nói và viết đều cần có tư duy logic, biết sắp xếp ý tưởng cho mạch lạc, trình bày nội dung cho rõ ràng, chặt chẽ. Vì vậy, để nói tốt, tôi cần phải viết tốt. Tôi nghĩ mình đã rèn viết đủ nhiều để khi cơ hội này đến tay, tôi bắt nhịp rất nhanh và biết cách cải tiến liên tục.


Trên facebook, Phượng có một Album “Sống và làm việc như một cái cây”, vậy triết lý này có liên quan gì đến việc nuôi dưỡng cái cây “nói trước đám đông không” ?


“Sống và làm việc như một cái cây” với tôi có rất nhiều ý nghĩa.


Cái cây thể hiện cho sức sống, sự vươn lên, phát triển mỗi ngày. Con người cũng vậy. Chúng ta là những cá thể tràn đầy sức sống. Ngày hôm nay, chúng ta không ngừng học hỏi tư duy, rèn luyện kỹ năng để tốt hơn hôm qua.


Cái cây lớn lên là một quá trình. Từ một hạt mầm đến chồi non hai lá, rồi trổ cành, trĩu quả là một quãng thời gian đôi tháng thậm chí cả vài năm. Chúng ta muốn đạt kết quả trong công việc lẫn cuộc sống cũng cần phải nằm lòng rằng “Không có chuyện gì là ngày một ngày hai, đừng bao giờ hấp tấp hay nóng vội mà đốt cháy giai đoạn”.


Cái cây trong tôi còn là quy luật của Nhân - Quả. Nếu vun trồng đúng cách, bạn sẽ có được quả ngọt. Cứ sống và tập trung vào những điều tốt đẹp mình làm, không quá bận tâm vào lợi ích, bạn chắc chắn sẽ có được niềm vui đích thực. Và khi cái cây chết đi, lá cây, thân cây, mọi thứ thuộc về nó sẽ trở thành mùn, về với đất mẹ. Đó chính là nguồn sống để vun đắp cho vòng đời của một hạt mầm mới/một cái cây khác.