.png)

Freelancer Thiên Nhi - Làm profile, trước hết là phải làm cho mình
“Em gửi CV qua cho chị nhé!”
“Để em gửi Portfolio có các dự án em đã thực hiện để anh xem xét ạ".
Trong các cuộc trao đổi tìm kiếm cơ hội cộng tác, CV, Portfolio là “vũ khí" hầu hết các freelancer dùng để tiếp cận và chứng minh năng lực với khách hàng. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường làm việc tự do đã trở nên bão hòa, kỹ năng, kinh nghiệm của nhiều freelancer đã trở thành ưu thế, và yêu cầu của khách hàng với một cộng sự không chỉ còn là năng lực chuyên môn, thì có lẽ, chúng ta nên chuẩn bị một vũ khí có sức nặng và mang tính thuyết phục mạnh mẽ hơn.
Có một thuật ngữ mà có thể nhiều freelancer đã lãng quên, đó chính là Profile. Profile như một cuốn tiểu sử cực ngắn về cuộc đời và sự nghiệp của bạn. Mỗi thông tin, từ nền tảng học vấn, kinh nghiệm làm việc, đến động lực lựa chọn hành trình tự do, là một chương sách. Các chương này kết thành câu chuyện độc đáo về bạn, giúp độc giả thấu hiểu hành trình phát triển của bạn*. Thử nghĩ xem, profile sẽ giúp bạn như thế nào trong việc tiếp cận, kết nối và tìm kiếm cơ hội cộng tác với khách hàng?
Trong cuốn sách “Đúng việc" của thầy Giản Tư Trung, ông chia sẻ: con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng, đó là con người chuyên môn và con người văn hoá. Tại sao lại đề cập đến việc tìm ra chính mình?

Trên hành trình làm việc tự do, con người chuyên môn là yếu tố quan trọng quyết định sự phù hợp về năng lực của bạn với khách hàng. Nhưng để tiếp tục làm việc, đi lâu dài với nhau, thì khách hàng sẽ luôn để tâm đến tính cách, đạo đức, tinh thần làm việc của bạn. Như bạn thấy đó, khi khách hàng lựa chọn người đồng hành không chỉ nằm ở năng lực chuyên môn, họ cần nhìn thấy một con người, thấu hiểu một hành trình phát triển, thì một CV/Portfolio không đủ chỗ để bạn thể hiện. Và chúng ta cũng không thể nói quá lên, hay nói nhiều hơn những gì mình đang có. Vì thế, “trung thực với chính mình, tìm ra chính mình, nói những gì mình có" là yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định lựa chọn bạn.
Trong bài viết này, Nguyễn Ngọc Thiên Nhi - người hướng dẫn trong chuỗi Dựng Profile - Xây uy tín của AFD sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và thực tế hơn về giá trị của việc xây dựng profile dành cho freelancer.
GIỚI THIỆU BẢN THÂN
CŨNG CẦN ĐƯỢC CHỌN LỌC
Xin chào Thiên Nhi, mời bạn giới thiệu về bản thân với các độc giả của AFD
Chào các độc giả của A Freelance Doer, mình là Thiên Nhi.
Là một người thích khám phá, thử nghiệm nhiều lĩnh vực nên mình luôn cẩn trọng với việc giới thiệu bản thân là ai, làm gì, như thế nào cho phù hợp. Mình có thể giới thiệu với mọi người rằng Nhi là một Content Writer, Ghostwriter, Editor, Writing Mentor, Host, là một giảng viên,... Đây đều là những vai trò mình đã/đang đảm nhiệm. Nhưng dĩ nhiên, mình không thể làm như thế.
AFD là cộng đồng dành cho những người làm việc tự do. Từ đầu 2023 đến nay, mình có cơ hội trở thành người điều phối cho 2 sự kiện offline của cộng đồng tại Sài Gòn và Hà Nội. Vì thế, khi xuất hiện ở bài chia sẻ này, mình muốn được mọi người biết đến với vai trò chuyên môn là một người viết tự do (Freelance Writer) và một người điều phối (Facilitator). Về tính cách, mình thoải mái để chia sẻ với mọi người rằng Nhi là một đứa trẻ ưa tò mò, mê khám phá - A Curious Kid.
“A Curious Kid" tạo ra cảm giác rất thú vị, gần gũi và dễ kết nối. Vậy Nhi luôn giới thiệu bản thân là Curious Kid hay sẽ chỉ dùng cụm từ này cho trường hợp cụ thể nào?
Như đã chia sẻ ngay từ đầu, mình luôn cẩn trọng với việc giới thiệu bản thân. Với những bối cảnh khác nhau, mình sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp. Không phải là biến thành một người khác, mà là thể hiện con người mình ở một góc nhìn khác.
Ở AFD và trong chuỗi hướng dẫn về chủ đề Profile, mình thoải mái để giới thiệu bản thân là “A Curious Kid", điều này giúp mình kết nối với thành viên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mình sẽ không dùng “A Curious Kid" để giới thiệu trên Linkedin hay với các mối quan hệ chưa đủ thân thiết. Để khách hàng, đối tác dễ tiếp nhận thông tin, mình thường sẽ giới thiệu bản thân là một người thích khám phá - An Explorer.

PROFILE LÀ CUỐN SỔ TAY
ĐỂ MÌNH LẬT LẠI & NHÌN NHẬN BẢN THÂN
QUA TỪNG CHẶNG HÀNH TRÌNH
Bắt đầu xây dựng profile từ năm 3 đại học (2015), đến nay đã là 8 năm. Nhi nhận thấy Profile có ý nghĩa với mình như thế nào?
Trước khi nói về ý nghĩa của profile, Nhi mời bạn cùng đi qua hành trình 8 năm xây dựng và tối ưu profile trên Linkedin. Mình sẽ chia hành trình này làm 3 giai đoạn:

Mình được đào tạo cách xây dựng profile và giao tiếp chuyên nghiệp từ năm 3 đại học (2015) trong môn Business Communication (ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM). Profile được làm trên Linkedin. Thời điểm này chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế ở các công ty, nên mình chỉ có thể đưa vào những gì đang có, là kinh nghiệm hoạt động ở các câu lạc bộ, là các công việc làm thêm nho nhỏ có được bên ngoài.

Đây là thời điểm mình bắt đầu đi làm, va chạm nhiều hơn, có những kết nối công việc rộng mở hơn. Mình tìm kiếm một hình mẫu profile để học hỏi theo, liên tục xem lại thông tin và cập nhật. Thậm chí, còn ngồi đếm xem profile mình đã có bao nhiêu kết nối, có chất lượng hay chưa.
Bước ra một thế giới mới toanh, có quá nhiều điều mới mẻ đang chờ ở phía trước, mình ngày càng muốn thể hiện bản thân để được kết nối với những người trong lĩnh vực mình quan tâm. Không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở thị trường quốc tế. Các công việc thiện nguyên, kinh nghiệm ở câu lạc bộ được chuyển xuống dưới. Kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc thực tế được đưa lên hàng đầu.

Sau một thời gian mải mê thể hiện bản thân, mở rộng các mối quan hệ, mình bắt đầu rà soát, nhận định bản thân để xem năng lực hiện tại của mình có đúng với vai trò/vị trí thực tế hay không. Trong suốt 2 - 3 năm gần đây, mình liên tục rà soát và điều chỉnh profile cho đúng với mình nhất. Bởi nếu không làm việc này, khả năng là mình có thể đang nói những điều hơi quá/không đúng với những gì mình đã làm/đang có.
Ví dụ khi làm việc trong một công ty Startup nhân sự vài người, mình có thể nắm giữ vị trí Marketing Manager. Nhưng khi rời khỏi tổ chức, mình sẽ cần xem lại năng lực của bản thân có đúng với những gì đã làm/làm được ở vị trí đó trong thực tế không.
So với giai đoạn thể hiện bản thân, mình nhận thấy mình của bây giờ đã rõ ràng và tỉnh táo hơn trong việc biết mình muốn gì, hiểu mình là người thế nào, năng lực đến đâu, để những điều mình thể hiện đúng đắn với con người mình nhất.
8 năm qua, profile với mình như một cuốn sổ tay để mình lật lại, nhìn nhận bản thân qua từng chặng, biết lúc đó mình đã làm gì, như thế nào. Và hơn hết, profile còn giúp mình kết nối đúng những người mà mình thực sự muốn kết nối.
Điển hình là vào năm 2019, khi mới bước ra làm freelancer, mình tiếp tục điều chỉnh profile cho phù hợp. Mấy tháng sau, một bạn freelancer người Anh kết nối với mình. Sau khi xem profile của bạn, mình khá bất ngờ vì nhận ra bạn rất giống mình. Cả hai đều làm việc tự do, liên quan đến Marketing và truyền thông, quan tâm đến những vấn đề xã hội, đặc biệt là quyền trẻ em. Chúng mình chia sẻ và trao đổi với nhau nhiều chủ đề trong công việc, kinh nghiệm, kỹ năng khi làm freelancer. Thêm nữa, thời điểm đó freelancer cũng chưa phải là từ khóa nổi bật Việt nam, nên khi có người cùng chí hướng tìm đến, mình lại càng có thêm niềm tin để tiếp tục bước đi trên hành trình này.
XÂY DỰNG PROFILE PHẢI ĐI TỪ MÌNH ĐI RA, KHÔNG PHẢI BẮT ĐẦU TỪ NHU CẦU KHÁCH HÀNG ĐI VÀO
Sau chuỗi thử thách 7 ngày tạo profile, là người quan sát, góp ý và nhìn thấy profile hoàn thiện của mỗi người, có ai hay điều gì làm chị ấn tượng nhất?
Mình thực sự rất trân trọng sự nghiêm túc của các thành viên khi tham gia thử thách 7 ngày. Ai cũng đầu tư nghiên cứu cho bài của mình. Nhưng nếu chỉ chọn một người ấn tượng nhất, mình nhớ ngay đến Khánh Ly.
Nếu xem chuỗi hướng dẫn này giống như các vòng phỏng vấn chọn nhân sự, thì Ly đã làm rất tốt trong việc thể hiện bản thân đúng với những gì mình yêu cầu. Không chỉ có sự đầu tư nghiêm túc về nội dung, nghiên cứu nhiểu nguồn tham khảo, mà hình ảnh cũng rất chỉn chu. Đặc biệt là trong ngày thứ 2 “Truy tìm Profile điển hình”, Ly đã thiết kế một hình có nhân vật bóng đen trong truyện conan và hỏi mình là “Có thích không?”. Đúng là hình ảnh này ngay lập tức thu hút ánh nhìn của mình.
Trong suốt những ngày sau đó, Ly giữ vững phong độ là người hoàn thành bài tập rất chỉn chu. Mình cũng đã chọn Ly là người nhận được vé tham gia workshop Dựng Profile - Xây uy tín. Ly đã thành công trong việc tạo được sự chú ý và khiến mình yêu thích.
Vậy bí quyết ở đây chính là chúng ta sẽ cần biết rõ người mình đang giao tiếp là ai. Khi kết nối với họ, mình sẽ cố gắng thể hiện đúng cái điều mà họ quan tâm/yêu thích thì người ta sẽ nhớ mình, dễ kết nối với mình.
Trong công việc cũng vậy, khi mình biết chính xác công việc đó, vị trí đó họ cần gì, thì mình sẽ tập trung vào cái đó, người ta sẽ không có lý do gì để từ chối mình.
Nhưng nếu mình cố gắng tìm kiếm điều họ muốn, và thể hiện mình cho giống những điều ấy thì liệu mình có đang chạy theo và thậm chí là đánh mất chính mình không?
Chính vì lẽ đó, nên việc tạo dựng profile cần có thứ tự trước - sau. Đầu tiên, profile phải được tạo ra, xây dựng cho chính mình. Nó phải thể hiện đúng con người mình, giá trị, nguyên tắc của mình. Khi làm được điều này, profile của chúng ta chính là sợi dây KẾT NỐI với khách hàng, chứ không phải công cụ để mình cố gắng TÌM KIẾM nữa.
Mang tâm thế kết nối, mình sẽ hiểu rằng chúng ta đang tìm hiểu, để xem xét sự phù hợp, để sàng lọc, chọn ra những đối tác, khách hàng mà mình muốn làm việc cùng. Sự phù hợp đó bao gồm cả chuyên môn mình có, nguyên tắc, tính cách, giá trị công việc mình hướng đến. Xây dựng profile phải đi từ mình đi ra, chứ không phải là bắt đầu từ nhu cầu của khách hàng đi vào. Vì như thế thì mình chỉ đang cố gắng chạy theo họ chứ không biết là mình có đang sở hữu những yêu cầu đó hay không.

BIẾT MÌNH CÓ GÌ,
BIẾT KHÁCH HÀNG CẦN GÌ,
BẠN SẼ LÀM NÊN MỘT PROFILE THU HÚT
Trong quá trình hỗ trợ xây dựng, điều chỉnh profile cho bạn bè, chị nhận thấy mọi người thường gặp phải những lỗi gì?
Lỗi đầu tiên phải kể đến chính là không thực sự hiểu mình đang làm gì.
Chẳng hạn như riêng với viết lách, nhiều bạn vẫn đang làm Content Writer, nhưng lại nghĩ mình là Content Creator hoặc ngược lại, bản thân vốn đã là một Content Creator nhưng lại không hề biết. Tóm chung, mỗi người cần phải hiểu về tên gọi của công việc mình đang làm, và hiểu chính xác mình đang làm gì để đưa vào cho đúng.
Hoặc một góc nhìn khác là về chuyện năng lực. Khi đứng trong một tổ chức nhỏ, mình có thể nắm giữ chức vụ CEO. Về mặt pháp lý hay giấy tờ, điều này hoàn toàn chính xác. Nhưng khi đi sâu vào vai trò thực tế của một CEO, mình sẽ cần đề cập đến năng lực thực sự của bản thân trong vị trí đó. Mà chỉ khi mình hiểu rõ bản thân đã làm được gì, kết quả làm được tới đâu, thì mình mới “thẳng lưng” để nói rằng mình là một CEO thực thụ. Khi mình có sự điều chỉnh về vị trí, chức danh cho đúng với năng lực, mình sẽ tránh gây ra những lầm tưởng cho khách hàng, đối tác.
Lỗi thứ hai, mình thấy mọi người thường hơi vội và kỳ vọng cao ngay từ đầu. Làm profile là một hành trình khởi tạo - tối ưu - điều chỉnh liên tục theo thời gian. Không thể hôm nay tạo profile thì ngày mai đã có profile hoàn hảo.
Hai điều này kết hợp lại, suy ra kết quả thứ ba, đó chính là câu chuyện “bạn phải có thì bạn mới nói được”. Profile là thứ thể hiện trên mặt giấy, chữ nghĩa, hình ảnh trên màn hình. Và bạn phải là người đã nghĩ, đã làm, đã có những kết quả đó, thì mới có cái để mang ra nói. Cũng giống như mình xem một bộ phim được sản xuất dựa trên câu chuyện có thật. Khi đưa lên phim, nó có thể màu sắc hơn, đẹp đẽ hơn, ly kỳ hơn. Nhưng quan trọng vẫn là câu-chuyện-có-thật. Mà để có được, thì quay lại mỗi người đều cần bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đúng với những nguyên tắc, giá trị của mình.
Trong khoá học Xây dựng profile của mình có một câu tagline là Nhân đôi khách hàng nhờ profile chuyên nghiệp. Nếu thứ bạn có bằng 0, thì mãi mãi không thể nhân được. Nhưng nếu bạn có 1, có 2, và có nhiều hơn, thì việc nhân đôi là hoàn toàn có thể. Và chúng ta sẽ cần thời gian để nâng cấp những thứ mình có lên.
Theo Thiên Nhi, Như thế nào là một profile thu hút?
Mình sẽ không nói về chuyện kỹ thuật, cách để tạo ra một profile thu hút. Vì profile của mỗi người mang một cá tính khác nhau, và cái mà chúng ta kết nối với khách hàng là sự phù hợp. Mình sẽ chia sẻ về mặt tư duy. Tư duy ở đây chính là mục đích mình làm profile, mình gửi nó đến ai, để làm cái gì.
Trong quá trình hỗ trợ cho một số bạn bè tối ưu profile để ứng tuyển, mình nhớ có một trường hợp rất đặc biệt thế này. Khi đó bạn mình muốn ứng tuyển một vị trí liên quan đến marketing cho một công ty mà bạn rất thích. Bạn đã theo dõi doanh nghiệp này một thời gian và chỉ chờ ngày có cơ hội là nộp đơn ngay. Nhưng sau khi nộp CV đi, bạn đợi mãi mà vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Thế là bạn tìm đến mình.
Sau khi phân tích kỹ thông tin tuyển dụng, mình biết được điều quan trọng mà người ta cần ở vị trí này chính là bạn phải có chuyên môn trong lĩnh vực email marketing, đặc biệt là mailchimp. Khi đó, mình nảy ra một ý là thay vì nộp CV như đã làm, sao bạn không thử thiết kế một profile cá nhân trên mailchimp và gửi đi bằng mailchimp.
Kết quả là, chỉ sau 2 tiếng gửi mail, bạn đã nhận được phản hồi chi tiết và được nhận việc ngay sau đó. Vấn đề ở đây là, để thu hút/dễ dàng kết nối với khách hàng, đối tác, bạn cần có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ càng để biết chính xác họ cần gì, và mình có thể làm gì để đáp ứng họ. Chỉ cần giải quyết đúng cái chuyện đó thì người ta sẽ sẽ tìm đến mình.
Thêm một điều quan trọng nữa là, profile dù chứa những thông tin rất cơ bản cần có, nhưng cách chúng ta thể hiện hoàn toàn là tự do. Thay vì một file PDF thông thường, mình có thể làm nó trực tiếp với công cụ mailchimp. Chúng ta có thể tìm cách thể hiện profile cho phù hợp với khách hàng. Nhưng sau chuyện tìm cách đó thể hiện điều gì? Đó là sự nghiêm túc, nỗ lực của bạn dành cho công việc mà bạn đang muốn làm.
Cảm ơn Speaker Thiên Nhi đã chia sẻ và hỗ trợ hiệu chỉnh nội dung bài viết.
*Định nghĩa nằm trong chuỗi hướng dẫn 7 ngày xây dựng profile của speaker Nguyễn Ngọc Thiên Nhi - người hướng dẫn trong chuỗi Dựng Profile - Xây uy tín của AFD
Bản quyền bài viết thuộc về A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.
Nhân vật: Nguyễn Ngọc Thiên Nhi
Kinh nghiệm: Freelancer Writer & Facilitator
Linkedin Profile: https://www.linkedin.com/in/thiennhinguyenngoc
Website Portfolio: https://thien-nhi.wixsite.com/portfolio