.png)
Digital Nomad Trang Chó: 600 ngày xê dịch & làm việc chuyên nghiệp dù ở bất kỳ đâu
“Điên dại, tự do, sáng tạo” - Đó là ba từ bạn Nguyễn Thuỳ Trang (Trang chó) nói về chính mình. Vốn là người yêu thích tự do, đam mê xê dịch, hai năm đại dịch tưởng chừng là thách thức bỗng trở thành cơ hội giúp Trang thăng hoa và có những bước đột phá trong sự nghiệp của mình. Vậy điều gì đã làm nên tên tuổi “Trang chó” trong suốt hai năm qua, mời bạn theo dõi buổi trò chuyện thú vị của AFD với chủ đề Digital Nomad - Vừa xê dịch, vừa làm việc, tại sao không?

NHỮNG ĐIỀU ẤN TƯỢNG
Di chuyển
600 ngày vòng quanh Đông Nam Á
Làm việc
chuyên nghiệp & mọi lúc, mọi nơi
Thu nhập
1,000,000,000đ/năm
Chào Trang, với chủ đề lần này thì câu hỏi đầu tiên là Digital Nomad trong định nghĩa của Trang là gì?
Nói một cách dễ hiểu, “Digital” là những gì liên quan đến công nghệ, máy móc, thiết bị, công nghệ số; “Nomad” chỉ những người có lối sống di chuyển liên tục, họ thường gắn bó với một địa điểm khoảng một tháng, một/hai năm. Sau đó, họ lại dịch chuyển đến vùng đất khác. Tóm lại, Digital Nomad không phải công việc, đó là một phong cách sống. Khái niệm này đã phổ biến trên thế giới, nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam, không nhiều người biết đến trừ những ai đã đi du lịch ở nước ngoài hoặc định cư tại nước ngoài.
Mọi người đều đã biết đến Trang với nhiều vai trò khác nhau như travel blogger, freelancer, tác giả sách,... Vậy cái tên Digital Nomad đến với Trang như thế nào?
Thành thực mà nói, mình nhận ra lối sống này chọn mình trước khi mình biết đến tên gọi Digital Nomad. Trước năm 22 tuổi, mình cũng chỉ nghĩ đến chuyện đi làm, lấy chồng, sinh con, ổn định như quy chuẩn xã hội từ trước tới nay. Về sau, mình phát hiện bản thân có niềm yêu thích du lịch khám phá. Công việc freelancer tạo điều kiện cho mình đi nhiều và hiểu rõ hơn về đam mê. Mình biết được nhiều người không có nhà, xe, họ sinh hoạt, làm việc trong những “ngôi nhà di động” như lều trại, lang thang khắp nơi, sống đời du mục. Và Freelancer cũng là một phần của lối sống Digital Nomad. Vì dù liên tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh kia, thành phố này sang thành phố nọ, mình vẫn làm việc online được (vẫn biên kịch, chế nhạc, viết review,...) và cảm thấy rất thoải mái. Dù sống trong khuôn khổ của khách hàng, nhưng mình được linh động thời gian, lựa chọn nơi làm việc, cộng với niềm đam mê khám phá, mình đã “vô tình” trở thành một Digital Nomad chính hiệu.
Ngoài freelancer, còn những ai sẽ phù hợp với Digital Nomad nữa không?
Theo mình, đó là những người cực kỳ thích sự tự do, nay đây mai đó, thích khám phá những vùng đất mới. Họ luôn muốn thoát khỏi vùng an toàn, không ngần ngại di chuyển liên tục. Họ chấp nhận sống ở một nơi trong thời gian ngắn (3 - 6 tháng) hoặc dài hơn để tận hưởng văn hoá, trải nghiệm tập quán và ổn định côngviệc tại các điểm đến. Hoặc họ cũng có thể định cư ở nước ngoài khoảng 1 - 2 năm, sau đó lại chuyển đến một đất nước khác mà không cố định lâu dài ở bất kỳ chỗ nào. Lối sống này không hề đơn giản, nhất là đối với những ai đã có gia đình.
Những nghề nghiệp phù hợp với lối sống Digital Nomad có thể kể đến như: Freelancer (các lĩnh vực như IT code web, viết lách, thiết kế mỹ thuật, viết sách online trên các nền tảng Amazon, trợ lý từ xa,...); Remote worker (người làm fulltime 9 to 5 theo hình thức từ xa); người xây dựng Business online (sản xuất các sản phẩm số như website du lịch, khoá học online, podcast,...)
Vốn là một “con nghiện” tự do, mê xê dịch, cuộc sống & công việc của Trang có gặp xáo trộn gì trong suốt 2 năm covid không?
Vì đã quen với việc mỗi ngày mở mắt ra là ở một bầu trời khác, nên thời gian đầu mình có phần bất ổn. Mình ở trong phòng suốt 8 tháng liền, quang cảnh trước mắt luôn là bốn bức tường trắng và mọi hoạt động gần như đóng băng. Cảm giác không khác gì… nhà tù (cười).
Nhưng nhờ ý thức được mình vẫn phải sống, phải kiếm tiền, cảm thấy mình may mắn khi sức khoẻ vẫn tốt, tài chính vẫn đảm bảo, mình dần ổn định tâm lý. Có thể nhiều bạn quen với công việc 9 to 5, khi chuyển sang work from home sẽ gặp nhiều khó khăn để trao đổi công việc. Nhưng mình đã làm freelancer quá lâu, tình thế được ở nhà bỗng trở thành lợi thế. Mình ổn địnhtâm lý và tiếp tục cuộc sống mưu sinh thường nhật.
Sau hành trình 600 ngày đi khắp Đông Nam Á về Việt Nam, mình mới được biết đến bằng tên gọi travel blogger. Từ đó, nhiều ban quản lý du lịch mời mình đi review trải nghiệm, đi tăng cường văn hoá địa phương. Lúc này, nghề viết của bảnthân thực sự nở rộ, câu chuyện cá nhân được lan tỏa mạnh mẽ. So với thời điểm đi bụi lay lắt nay đây mai đó, mình bây giờ đã “thăng hoa” về cả thương hiệu cá nhân cũng như tài chính.
Không đi lang thang nữa, mình tập trung làm việc, đặt ra những thử thách cao hơn, có những kế hoạch dài hạn hơn. Mình chủ động kiếm tiền nhiều hơn để chuẩn bị thu nhập cho những chuyến đi sau này. Mình cũng bày ra nhiều hoạt động, dự án cá nhân, tham gia các workshop hữu ích. May mắn là, tất cả đều thành công. Trong thời gian đó, những sản phẩm số bắt đầu hình thành, các jobs bắt đầu kéo đến, mình tích luỹ được một khoản lớn để xây nhà cho bố mẹ, báo chí truyền thông biết đến mình nhiều hơn.
Rõ ràng, hai năm đại dịch đã mang lại cho mình quá nhiều lợi lạc. Nhưng giờ thì đến lúc mình phải “bung” rồi, mình phải đi và sống tiếp với Digital Nomad thôi.



Đặc tính của Digital Nomad là thường xuyên dịch chuyển, Trang đã cân đối như thế nào giữa sở thích xê dịch để đảm bảo hiệu quả công việc?
Các chuyến đi của mình thường ngắn ngày, cao nhất khoảng một tháng. Vì liên tục đi về nên cũng dễ xử lý các đầu việc. Trước khi đi, mình ghi chú lại những việc chính đang đảm nhận. Ví dụ công việc này chiếm bao lâu trong ngày/một tuần, cộng với những job thường nhật như viết nhạc chế, kịch bản, viết báo… Mình cân đối khoảng thời gian cần đi du lịch, sắp xếp những địa điểm đi cho phù hợp. Nếu có thể, mình sẽ dồn các hoạt động đi chơi vào một buổi, buổi còn lại làm việc. Chẳng hạn đi cả ngày, tối về cày đêm, hôm sau lại dậy sớm di chuyển tiếp. Nếu đi những chuyến ngắn khoảng 3 - 5 ngày, mình chỉ mang theo điện thoại để xử lý những việc đơn giản. Nếu đi dài ngày, mình mang theo laptop để làm việc đan xen.
Để bước vào lối sống Digital Nomad, mình cần có kỹ năng đặc biệt nào?
Là người làm việc online, mình nghĩ có 3 kỹ năng quan trọng và cần thiết nhất:
Đầu tiên chính là kỹ năng làm việc độc lập trong công ty TNHH một mình tôi. Vừa là ông chủ, vừa là thủ quỹ, vừa là nhân viên sale, mình phải tự vận hành bộ máy doanh nghiệp trơn tru. Mình cũng cần cân đối việc đi lại vui chơi cộng với quản lý thời gian hợp lý để đảm bảo deadline cho khách hàng.
Thứ hai là kỹ năng làm nhiều việc cùng lúc (multi-task) để có thể thích ứng tốt với việc di chuyển liên tục trong mọi hoàn cảnh. Vừa đi mình vừa có thể viết nhạc chế, viết báo, sáng tạo nội dung,...
Thứ ba là kỹ năng quản lý tài chính. Tuỳ theo mức sống và tỷ giá tiền tệ ở nơi đó, bạn sẽ tính được thời gian ở bao lâu. Việc ở một nơi trong thời gian dài sẽ tiết kiệm hơn so với ngắn ngày hoặc di chuyển liên tục. Khi đi đủ nhiều, bạn sẽ nắm được giá cả, chỗ ăn uống hợp lý. Lúc đó, bạn không mang tâm thế của một người du lịch nữa, bạn sẽ thấy các điểm đến như quê hương thứ hai, còn bạn sẽ giống như một người bản địa thực thụ.

Một ngày của Trang trong lối sống Digital Nomad diễn ra như thế nào?
Sự thật là không có ngày nào giống ngày nào. Mỗi ngày mình mở mắt ra là một to-do-list những việc khác nhau đập vào mặt. Nhưng có những ngày… không có task để “tát” vào mặt luôn (cười).
Mình bắt đầu một ngày khá muộn. Đơn cử như khi ở Hàn Quốc, mình thức dậy vào lúc 4 giờ chiều để hoà nhập vào cuộc sống nhộn nhịp về đêm ở đây. Hoặc trong chuyến đi Tây Nguyên 12 ngày trong tháng ba vừa rồi, mình vừa đi, vừa họp, làm việc đối tác, và dành buổi tối cày các job khác nhau. Để đảm bảo những điều này, mình luôn có to-do-list mỗi ngày, lọc ra những gì quan trọng nhất để ưu tiên xử lý.
Như đã chia sẻ, có rất nhiều hình thức công việc khác nhau phù hợp với lối sống này. Mình thuộc nhóm freelancer, thời gian làm việc linh hoạt. Do đó, mình thường tự tạo ra các deadline +1, deadline + 2. Tức là mình có thể hoàn thành việc A trong hôm nay nhưng mình sẽ thông báo với khách hàng trong 2 ngày nữa để tiện cho việc di chuyển, trải nghiệm (tất nhiên là vẫn đảm bảo tiến độ phù hợp với khách hàng).
Với tính chất đặc thù của Digital Nomad là di chuyển liên tục, những thói quen sống nào hữu ích phục vụ cho công việc của Trang?
Mình không có quá nhiều thói quen sống tốt đâu vì mình sống khá theo cảm xúc và ứng biến linh hoạt với công việc. Mình nghĩ việc quan trọng và thiết yếu nhất trong lối sống này là làm quen với tất cả địa hình, khí hậu, cũng như các múi giờ khác nhau. Bản thân không nên quá sợ hãi khi phải di chuyển đến một nơi nào đó. Và cần chấp nhận sự khác biệt so với thói quen thông thường. Vì cuộc sống sẽ muôn màu muôn vẻ, mỗi ngày, mỗi tuần, tháng, năm đều rất khác nhau.
Những địa điểm mình chọn sẽ trên sở thích hay những yếu tố liên quan nào khác? (Mình thích du lịch ở điểm đó, mình đến khám phá và làm việc hay vì mục đích công việc, mình mới xác định ngược lại địa điểm)
Thông thường, mọi người sẽ lựa chọn theo mục đích công việc, ví dụ: họ cần quay youtube về chữa lành, yoga họ sẽ chọn Chiang Mai Thái Lan để quay clip vì đó là nơi có tần số và năng lượng cao. Mình thì ngược lại vì khá phóng khoáng theo cảm xúc, mình lựa chọn theo sở thích là chính. Mình không quá e dè về khí hậu khắc nghiệt, địa hình di chuyển, mình vẫn tìm hiểu thông tin liên quan nhưng không quá sợ hãi và vẫn duy trì lối sống công việc bình thường.
2 năm
600 ngày
xuyên Đông Nam Á

Trang đã khám phá được bao nhiêu quốc gia rồi? Thông thường, một chuyến đi sẽ kéo dài bao lâu (trong và ngoài nước)?
Mình sẽ kể về hành trình xuyên Đông Nam Á trong 600 ngày, gần hai năm, từ tháng 03/2018 đến tháng 03/2020, mình đi đan xen trong và ngoài nước, cắt nhỏ các trip ra. Nghĩa là, mình đi được dài nhất khoảng 13 ngày/nước, quay về Việt Nam vài ngày sau đó lại đi nước ngoài tiếp hoặc đi Việt Nam. Cứ liên tục di chuyển như thế. Tổng cộng, đến hiện tại, mình khám phá được 9 nước thuộc Đông Nam Á. Sắp tới, mình sẽ khám phá một nước Nam Á là Ấn Độ trong 30 ngày. Mình thường ở lại 4 đến 13 ngày/nước ngoài, trong nước thì thời gian ở lại dài hơn như Đà Lạt, Sapa vì dịch chuyển nội địa dễ dàng hơn và nhiều bạn bè cho tá túc.
Nói về Digital Nomad phổ biến, mọi người thường ở lại một điểm đến từ ba đến sáu tháng hoặc lâu hơn để trải nghiệm văn hóa, phong tục. Nhưng mình hơi lạ một chút, mình không tính số lượng nước đã đi mà chú trọng đến cảm xúc mình có thích nước này hay không cũng như quan tâm nhiều đến văn hoá địa phương có thu hút bản thân không. Ví dụ, mình từng đi Thái Lan 12 lần chỉ trong hai năm, mình đi đi lại lại nhiều lần như thế vì mình coi nơi đó là nhà. Mình hay nghiền ngẫm mình có bao nhiêu trải nghiệm ở nước đấy dù đi theo mô típ cũ, nhưng mỗi chuyến đi, mình lại gặp những câu chuyện, tình huống éo le khác nhau và đó sẽ tạo nên câu chuyện của riêng Trang Chó. Mình xác định là sẽ gắn bó với lối sống này rất lâu dù sau này lập gia đình, mình vẫn cố gắng thu xếp chuyện chồng con để đi, có thể đến 80 tuổi vẫn đi nếu còn sức khoẻ (cười).
Bài học/kỷ niệm đáng nhớ nhất khi là một Digital Nomad?
Mình đã ngồi hai tiếng trong nhà vệ sinh Băng cốc, chế một bài nhạc Viral 8 đến 9 triệu view trên facebook. Mình có sở thích hơi lạ là luôn có cảm hứng và thăng hoa trong nhà vệ sinh, nhất là các nhà vệ sinh ở nước ngoài luôn thu hút mình vì tính chất độc lạ. Cụ thể, mình đã tổ chức WC tour trong dự án Lang thang cùng Trang chó cho các bạn chưa có cơ hội đi du lịch bụi nước ngoài (Hộ chiếu trắng) như đi Thái Lan, Trung Quốc. Khi đi như thế, nơi làm việc là quán cà phê, giường ngủ, trên núi hoặc ngay trong nhà vệ sinh.
Không giống những gì mọi người thường nghĩ, dù đi rất nhiều nhưng mình là người có sức khỏe yếu. Nhưng kỳ lạ là, ở Việt Nam mình không thể đi bộ 1 km trong khi có thể đi tận 20 km ở nước ngoài. Có lần, mình đi nhiều đến mức các ngón chân bị biến dạng (tạm thời) nhưng cảm giác vẫn rất thoải mái và tiếp tục di chuyển.
Mình nghĩ nguyên do của việc này là do đi nước ngoài nhiều, mình quen với phong tục tập quán của họ, thích di chuyển nhiều. Thêm nữa, trong mình luôn có sự tò mò khá lớn về thế giới và bản thân. Dù mọi người cảm nhận là Trang đi nhiều nhưng thực ra, mình vẫn sống trong vùng an toàn mở rộng của chính mình. Mình vẫn còn nhiều điều không hiểu về cuộc sống, có thể một phần do các hành trình chưa đủ xa. Chính việc đi tìm lời giải đáp này, giúp mình có nhiều năng lượng, thôi thúc tò mò và liên tục tìm hiểu nhiều hơn nữa. Thay vì chỉ xem qua phim ảnh tái dựng lại, mình sẽ thích thú hơn với việc đích thân trải nghiệm. Vậy nên, mọi người sẽ hay bắt gặp một Trang Chó luôn luôn làm việc, luôn luôn kiếm tiền và luôn luôn dịch chuyển.

Tính đến hiện tại, Trang là tác giả và đồng tác giả của 5 quyển sách, Trang có dự định viết về Digital Nomad không? Nếu có thì khi nào, đã có hình dung sơ lược chưa?
Mình có dự định viết hai cuốn sách trong năm nay: một cuốn về Digital Nomad và một cuốn về hành trình du lịch nhưng trong vòng ý nghĩ thôi, chưa có kế hoạch cụ thể, dù thời điểm hiện tại mình đã nhận được lời đặt hàng của các nhà xuất bản sách. Mọi thứ trong lịch trình của mình hay thay đổi liên tục như tính chất của lối sống Digital Nomad. Thêm vào đó, mình nghĩ bản thân cần trải nghiệm sâu sắc hơn nữa để tích cóp nhiều trải nghiệm “đắt” hơn, độc lạ hơn. Đi du lịch khá nhiều nhưng mình vẫn chưa tự tin vì cảm thấy bản thân bé nhỏ. Mình hy vọng sẽ tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm hơn để chia sẻ với các bạn trẻ về việc “không có tiền thì đi du lịch kiểu gì”. Tất cả sẽ cần thêm thời gian để ấp ủ và đào sâu.
Đạt được nhiều thành tựu ở tuổi còn rất trẻ, Trang có hình mẫu nào hướng đến hay không? (Những lúc khó khăn trong công việc, định hướng kế hoạch, Trang sẽ tự giải quyết theo suy nghĩ cá nhân hay tìm đến sự gỡ rối từ ai khác)
Trong làng du lịch, mình không có hình mẫu lý tưởng để theo đuổi vì thực sự, phong cách của mình cũng không giống ai. Người truyền cảm hứng lớn nhất là anh Đen Vâu. Mình may mắn được phỏng vấn trực tiếp anh vào năm 2015. Trong buổi ấy, mình tiếp thu được tinh thần và tư tưởng làm việc tích cực của anh. Từ đó, cuộc sống của mình cũng khác đi ít nhiều. Những lúc bế tắc trong cuộc sống, mình có nhóm năm người bạn thân. Họ là những người bình thường, thân nhau từ bé và chỉ có một mình mình tính cách không “bình thường”.
Vì rất hiểu nhau, nên các bạn là điểm tựa lớn nhất khi mình gặp khó khăn. Mình không có người yêu nhưng bù lại mình có rất nhiều bạn bè tốt, gia đình yên ấm. Nhờ đó, cuộc sống của mình rất nhiều màu sắc. Phải nói là, mình cũng trở nên tốt đẹp hơn nhờ bạn bè. Mình nghĩ phải may mắn như thế nào mới có nhiều bạn tốt xung quanh, đây là phúc lộc lớn nhất trong cuộc sống mình. Ngoài ra, mình còn có một người bạn tối quan trọng “Người bạn thứ sáu” - Nguyễn Thuỳ Trang bên trong. Mẹo nhỏ là trước khi bạn bè giải quyết cho mình, bản thân nên là người cuối cùng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tất cả hành động. Mình là người đưa ra lựa chọn cũng như chữa lành cho mình trước. Mình luôn lắng nghe và tôn trọng người bạn bên trong này. Trên là cách mình vượt qua các rào cản trong đời. Thật sự mà nói, ít ai có cuộc đời vừa hài hước vừa bi thương như mình. Dù cuộc đời đen đuổi nhưng buồn cười, mình vẫn chủ động vượt qua và sống lạc quan. Mình sẽ dễ quên đi mọi thứ (không tích cực) khi chia sẻ với người khác vì mình có đến tận sáu điểm neo tinh thần (sáu người bạn).
Ba từ để miêu tả về phong cách sống của Trang:
Điên, tự do, sáng tạo
Lời khuyên cho các bạn trẻ có ý định dấn thân vào Digital Nomad nói riêng/Freelancer nói chung
Hãy sống theo ý các bạn nếu muốn thử sức với công việc và lối sống này. Đây là miền đất hứa đã mang lại nhiều giá trị cho bản thân mình qua sự nhìn nhận được trong nhiều năm. Một mảnh đất vàng vẫn còn rất nhiều điều khai thác để sống và khám phá. Mình thấy Digital Nomad thật sự tuyệt vời nên cũng mong muốn nhiều người theo đuổi phong cách sống này hơn. Dần dà, nó có thể trở thành phong cách sống cho người trẻ Việt. Không phải là bỏ việc, không lao động mà là lao động từ xa, mình vẫn cống hiến, tạo giá trị cho cuộc đời, tạo giá trị cho người Việt và vẫn tìm kiếm đam mê cho bản thân. Không phải là bỏ phố về rừng mà là bỏ một công việc để có nhiều công việc hơn, có nhiều trải nghiệm sống hơn. Tóm lại, những ai đang manh nha dấn thân vào con đường này, đừng suy nghĩ nhiều nữa mà bắt tay vào làm để tận hưởng hành trình khám phá bản thân nhiều thú vị đang chờ đón phía trước.
Cám ơn Trang đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn.
Chúc Trang nhiều sức khoẻ, năng lượng để hoàn thành trọn vẹn các dự án sắp tới.
Nhân vật: Nguyễn Thuỳ Trang (Trang Chó Review)
Công việc: Freelance Writer, Travel Blogger, Tác giả sách
Bạn có thể tìm Trang tại: https://www.facebook.com/thuytrangnguyen110
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nếu bạn muốn gặp gỡ trực tiếp & lắng nghe Trang Chó chia sẻ nhiều hơn về hành trình 600 ngày vòng quanh Đông Nam Á và những công việc giúp bạn có được thu nhập 1 tỷ/năm kể cả khi không ở "yên" một chỗ, hãy đặt chỗ ngay hôm nay nhé!
Bản quyền bài viết thuộc về tác giả Nguyễn Kim Phượng và A Freelance Doer. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.